MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cách đây 2 tuần, quán phở Hà (Trường Chinh, Thanh Xuân) tấp nập khách, thì nay chỉ được bán mang về.

2 quán phở trên 1 con đường, nghịch cảnh bi hài kẹt giữa 2 quận vàng-cam

TRẦN TUẤN - HỮU CHÁNH LDO | 05/01/2022 17:05

Hà Nội - Hai tuần trước, quán ăn trên đường Trường Chinh thuộc địa bàn quận Thanh Xuân (vùng vàng) được bán hàng ăn tại chỗ, trong khi các quán cũng trên tuyến đường này nhưng thuộc địa bàn quận Đống Đa (vùng cam) chỉ được bán mang về. Đến nay, Đống Đa về "màu vàng", Thanh Xuân lên "màu cam", tình cảnh lại đảo ngược.

Ngày 17.12.2021, Báo Lao Động có bài viết "Cùng tuyến đường ở Hà Nội: Quán vùng vàng nhộn nhịp, quán vùng cam im lìm" phản ánh câu chuyện, dù nằm trên một tuyến đường Trường Chinh nhưng cửa hàng ăn uống ở quận Đống Đa (vùng vàng) chỉ được phép bán mang đi, còn quận Thanh Xuân (vùng cam) ở bên đối diện vẫn tấp nập người ra vào.

Mới đây, quận Đống Đa đã hạ cấp dịch thành "vùng vàng", còn Thanh Xuân lại nâng cấp độ dịch lên "vùng cam", ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động vào sáng 5.1, tại các quán ăn trên đường Trường Chinh, hình ảnh trái ngược đã diễn ra so với cách đây 2 tuần. 

Bà Nguyễn Thị Sự, chủ quán phở bò Tứ Hải, nằm trên đường Trường Trinh (thuộc địa bàn quận Đống Đa) cho biết, quán vừa mở bán tại chỗ được vài ngày khi quận này hạ cấp độ dịch xuống màu vàng.

"Nếu bán tại chỗ, mỗi ngày gia đình tôi có khoảng 100 khách nhưng khi được bán mang về, số lượng giảm đi chỉ còn khoảng 30 suất", bà Sự nói và cho biết rất phấn khởi khi cửa ăn uống trên địa bàn quận Đống Đa mới đây đã được bán tại chỗ trở lại.

Sáng ngày 5.1, nhiều lượt khách tới quán phở bò Tứ Hải để ăn uống trực tiếp thay vì chỉ bán mang về như trước.

Quán ăn của bà Sự khá đông khách trong những ngày đầu bán tại chỗ. Ảnh: PV.

Chị Thanh Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) một khách quen tại quán của bà Sự cho biết, thời điểm quán ăn tại địa bàn quận Đống Đa chỉ được bán mang về, chị thường ghé các quán cũng nằm trên đường Trường Chinh nhưng ở phía bên kia đường, thuộc địa phận quận Thanh Xuân.

"Đến nay, khi quận Thanh Xuân chuyển thành "vùng cam" chỉ được bán mang về thì mình lại sang các quán bên này đường thuộc quận Đống Đa để ăn trưa như thói quen từ trước", chị Hương nói.

Dù phấn khởi khi được mở hàng bán tại chỗ nhưng bà Sự cũng không khỏi lo lắng khi quy định bán hàng tại chỗ cũng thay đổi liên tục theo cấp độ chống dịch trên địa bàn quận.

“Quận Đống Đa được cho phục vụ tại chỗ 2 ngày thì bên đối diện là quận Thanh Xuân lại phải bán mang đi. Chính vì vậy, nhiều chủ quá ăn như chúng tôi đều hoang mang, không biết tình hình này còn kéo dài bao lâu”, bà Sự nói với phóng viên.

Đối lập với quán bà Sự là quán phở Hà của gia đình chị Hà, bên kia đường (cũng trên đường Trường Chinh nhưng thuộc địa bàn quận Thanh Xuân).

Cách đây 2 tuần khi chúng tôi có mặt, quán phở Hà tấp nập khách ra vào, nhưng mới đây, quận này chuyển thành "vùng cam”, dịch vụ ăn uống tại chỗ phải tạm ngưng, quán nay vắng hoe, thỉnh thoảng có người đến mua mở mang về.

“Cách đây 2 ngày, tôi đã dọn dẹp bàn ghế gọn gàng để chỉ phục vụ bán mang về, tuân thủ quy định", chị Hà - chủ quán nói.

Quán Phở Hà thời điểm phóng viên ghi nhận vào sáng 17.12.2021. 
Và hình ảnh vào sáng 5.1.2022. Ảnh: PV

Theo chị Hà, việc dừng bán hàng tại chỗ ảnh hưởng rất nhiều tới việc kinh doanh của quán, thay đổi thói quen của khách và đặc biệt là mất đi nguồn thu. Nhiều khách quen của quán phở Hà nay lại phải sang các quán phía đối diện thuộc quận Đống Đa.

"Việc thay đổi cấp độ dịch liên tục như hiện nay khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống rất lo lắng vì không thể chủ động kế hoạch kinh doanh của mình, gây thiệt hại lớn", chủ quán phở Hà nói.

Câu chuyện tại quán phở Hà và quán phở Tứ Hải cũng đại diện cho hình ảnh trái ngược tại các quán ăn nằm trên đường Trường Chinh, nhưng thuộc 2 địa bàn quận Thanh Xuân và Đống Đa thời gian qua.

Khi 2 quận liên tục "đổi màu" cấp độ chống dịch, các hàng quán không thể chủ động về kế hoạch kinh doanh, cứ mở rồi lại phải đóng, đóng rồi lại mở, gây thiệt hại về kinh tế. Nhiều cửa hàng sau khi chỉ được bán mang về thì buộc phải cắt giảm 50% lượng nhân viên nhưng chỉ thời gian ngắn sau được bán tại chỗ trở lại thì không thể tuyển được nhân viên để phục vụ khách.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một số chủ nhà hàng tại Hà Nội cho rằng người dân không ăn ở quận này thì sang quận khác, vì vậy quy định cấm bán hàng tại chỗ không có nhiều hiệu quả trong chống dịch.

Các chủ nhà hàng này đề xuất cơ quan chức năng có thể ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn, chỉ nhận 50% khách. Đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ như hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn