MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé gái bị đuối nước đang nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi T.Ư. Ảnh: THÙY LINH

2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm tại Việt Nam: Tỉ lệ cao nhất Đông Nam Á

THÙY LINH - TRẦN HÓA LDO | 04/07/2018 09:59

Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Con số đau xót này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Có thể, 2000 trẻ em mỗi năm sẽ không mất đi sinh mạng, nếu như hệ thống tạo dựng hành trang đối diện với tai nạn dưới nước cho trẻ em được thiết lập sớm.

Nỗi đau còn đó

Bữa ăn nào cũng vậy, bà Trần Thị Hơn lại xúc thêm một bát cơm bỏ bên cạnh, bát cơm ấy cứ nằm bất động từ đầu bữa đến cuối bữa. Bà Hơn bảo, bát cơm đó của thằng Phát - 1 trong 9 em học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Hà (xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải bỏ mạng vào trưa ngày 15.4.2016. Và sau hơn 2 năm, trở lại xã Nghĩa Hà, dù không khí tang thương đã qua đi, nhưng nỗi đau ấy vẫn còn âm ỉ, đeo bám trong lòng những người bà, người mẹ… nơi đây.

Bà Trần Thị Hơn - 76 tuổi, trú thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà (bà nội em Trần Tiến Phát) - nhớ lại: Trưa hôm đó, chiếc xe đạp của nó bị xịt lốp, phải nhờ thằng bạn chở đi học. Cứ nghĩ nó đi học thật, ai ngờ đến chiều nghe người hàng xóm chạy qua báo rằng thằng Phát và 8 đứa bạn bị chết đuối ở sông Trà Khúc. Tôi bàng hoàng chạy ra hiện trường thì thấy cháu được vớt lên bờ trong tình trạng toàn thân trắng bệch.

1 tuần BS tiếp nhận 4 trẻ đuối nước nguy kịch

TS-BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi T.Ư) - cho biết, từ đầu hè đến nay khoa liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước phải thở máy trong tình trạng rất nặng. Từ tháng 5, chúng tôi phải điều trị cho hơn chục bệnh nhi đuối nước. Điều đáng nói là chỉ riêng trong 1 tuần trở lại đây, đã có 4 cháu đuối nước phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. “Những trường hợp trẻ đuối nước chuyển đến khoa Hồi sức tích cực phải thở máy đều là những ca nặng, may mắn là 4 ca trong tuần vừa rồi đều đã được cứu sống, trong đó đã có ca được rút ống thở” - BS Tuấn Anh chia sẻ.

Đang chăm con gần 4 tuổi bị đuối nước tại BV Nhi T.Ư, chị T (ở Bắc Giang) cho biết, con gái chị không biết bơi, nhưng đi theo các anh chị lớn trong làng ra ao chơi, trong quá trình chơi đùa cháu bị trượt chân xuống nước và bị đuối nước. Mặc dù sau đó được cứu lên kịp thời nhưng con gái chị T đã bị rơi vào trạng thái hôn mê và phải chuyển lên BV Nhi T.Ư cấp cứu.

BS Tạ Anh Tuấn cho biết, trường hợp này hiện vẫn phải thở máy, tuy tính mạng không còn nguy hiểm, nhưng có thể sẽ để lại những di chứng về lâu dài. Nằm bên cạnh phòng con gái chị T, là cháu Trần Anh D (7 tuổi) cũng đang phải cấp cứu vì đuối nước. Cháu D vừa được các bác sĩ rút ống thở vào trưa ngày 2.7, tuy nhiên vẫn cần phải theo dõi trong những ngày tiếp theo.

Tỉ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á

Đây là những con số được đưa ra tại Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam Bộ LĐTBXH, Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu vừa được tổ chức tại Hà Nội.

“Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích. Giai đoạn 2015- 2017, mỗi năm khoảng 2.000 trẻ em tử vong đuối nước mỗi năm. Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững, trong đó, mục tiêu số 3 là đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Để đạt được mục tiêu số 3, chúng ta không thể không triển khai những chương trình như giảm thiểu đuối nước trẻ em...”- bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - nói.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Với khoản hỗ trợ mới vào tháng 5 năm 2017, Quỹ Từ thiện Bloomberg lựa chọn Việt Nam vì sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự trầm trọng của trước vấn đề này tại Việt Nam.

Tiến sĩ Kelly Henning - Giám đốc toàn cầu Chương trình Y tế công cộng của Quỹ Từ thiện Bloomberg - cho biết: “Chương trình hợp tác phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam sẽ bao gồm hai chương trình can thiệp đã được chứng minh hiệu quả sau: Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 tới 15 tuổi”. Tiến sĩ Kelly Henning cũng đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu đôla Mỹ cho 2 năm đầu tiên của chương trình 5 năm.

Sơ cứu sai cách là “giết” trẻ

Từ những thống kê về con số trẻ bị đuối nước trong thời gian qua, BS Tạ Tuấn Anh cho rằng, đây là vấn đề rất đáng cảnh báo trong những ngày hè. Đặc biệt là vùng nông thôn với hệ thống sông ngòi dày đặc, các cháu không được trông coi cẩn thận, rất dễ bị đuối nước. Theo các BS, việc sơ cứu đuối nước chỉ sai lệch một chút cũng có thể khiến nước sặc vào phổi hoặc lên não rất nguy hiểm.

“Khi các cháu bị đuối nước được phát hiện, thông thường người dân thường bế sốc đứa trẻ lên, dốc ngược đầu các cháu xuống rồi chạy, hoặc quay các cháu… đấy là hành động rất nguy hiểm, khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng thêm. Bởi khi làm vậy, các dịch ở đường hô hấp sẽ trào ngược và đứa trẻ hít vào sẽ gây sặc, đặc biệt là khi hít các dị vật, thức ăn vào phổi sẽ khiến tình trạng vô cùng nguy cấp” - BS Tuấn Anh khuyến cáo.

Trở lại câu chuyện đau lòng của gia đình em Trần Tiến Phát, sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp xây dựng hồ bơi cho học sinh trường THCS Nghĩa Hà, xã Nghĩa Hà, tổng vốn đầu tư gần 1.6 tỉ đồng. Thầy Trần Công Hùng - Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Hà cho biết, để tránh xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, các năm học vừa qua chúng tôi đã đưa môn bơi vào môn chính khóa cho 650 em học sinh. Đặc biệt, trong 3 tháng hè năm 2018, chúng tôi đã phân công và xây dựng kế hoạch dạy bơi cho các em, cụ thể, đối với những em có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường dạy miễn phí; còn lại nhà trường thu 5 nghìn đồng/em để duy trì hoạt động. “Từ khi triển khai chương trình dạy bơi cho các em trong dịp hè tại trường, học sinh tham gia ngày càng đông - đó là tín hiệu tích cực nhằm giảm tai nạn đuối nước dịp hè”” - ông Hùng vui mừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn