MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khắc phục sạt lở đất tại Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Hà

27 người chết và mất tích trong 6 trận lũ quét, sạt lở đất

L.V LDO | 20/08/2019 12:54

Từ đầu năm đến nay, riêng tại khu vực miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra 6 trận lũ quét, sạt lở đất khiến 27 người chết và mất tích, nhiều tài sản bị phá hủy, thiệt hại lên đến 1.000 tỉ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong năm 2018, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra 14 trận lũ quét, sạt lở đất, khiến 82 người chết và mất tích, chiếm 70% cả nước; thiệt hại lên tới 10.300 tỉ đồng (52% cả nước).

Năm 2019, mới bắt đầu mùa bão lũ, nhưng từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 trận lũ quét, sạt lở đất khiến 27 người chết và mất tích, nhiều tài sản bị phá hủy, thiệt hại lên đến 1.000 tỉ đồng.

Sáng 20.8.2019, tại hội nghị đánh giá lại lũ quét, sạt lở đất tại Quan Sơn (Thanh Hóa) để rút ra bài học kinh nghiệm, Tổng cục Phòng, Chống thiên tai chỉ rõ: Tại Thanh Hóa, sau bão số 3 đã có 16 người chết và mất tích (trong đó huyện Quan Sơn có 13 người, huyện Mường Lát: 3 người); ước tính thiệt hại:khoảng 914 tỉ đồng.

Lý giải về nguyên nhân lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm tại khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ nói chung, tại Thanh Hóa nói riêng, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: Tập quán dân cư thường tập trung làm nhà, sinh sống tại khu vực ven suối rất nguy hiểm. Trong đợt lũ quét, sạt lở đất tại Thanh Hóa, là do những điểm dòng suối co thắt dễ tạo ra bọng nước gây ra lũ quét. Mặt khác, do không dự báo được mưa thời đoạn ngắn, cường xuất cao; không cảnh báo được mưa lũ thượng nguồn thuộc Quốc gia khác nên rất khó trong công tác dự báo, cảnh báo.

Tại bản Na Sá (Thanh Hóa), do bản này nằm ven Suối Son bắt nguồn từ Lào với điểm cao nhất trong lưu vực là 1722m, tại Sa Ná khoảng 1600m; cách thượng lưu bản Sa Ná 2,4km suối Son bị co hẹp nên dễ tạo áp lực gây lũ quét, sạt lở đất.

“Trong đợt mưa lũ vừa qua, mưa lũ quá lớn, bất ngờ đã gây vỡ điểm tắc nghẽn tại vị trí co hẹp suối Son tạo ra lũ quét. Để cảnh báo sớm cho người dân, cần lắp đặt ngay trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất” – ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Hoài cũng thẳng thắn đánh giá, hầu hết các địa phương chưa rà soát đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch, phương án ứng phó lũ quét, sạt lở đất chưa cụ thể, sát với thực tiễn và chưa được triển khai đồng bộ xuống cơ sở. Bên cạnh đó, 4 tại chỗ: vật tư, trang thiết bị còn hạn chế (áo phao, các thiết bị tối thiểu để ứng cứu còn chưa đầy đủ.

Theo yêu cầu của cơ quan phòng, chống thiên tai, để ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới, cần kiểm tra, khơi thông ngay các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng; rà soát, đánh giá nơi ở, địa điểm sơ tán và có hương án sơ tán đảm bảo an toàn; cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm; lắp đặt ngay trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; củng cố ngay lực lượng xung kích, bố trí trang thiết bị thiết yếu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn