MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại nút giao IC2 phường Tân Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ, các công nhân tăng ca thi công cả ban đêm. Ảnh: Tạ Quang

“3 ca - 4 kíp” trên công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

TẠ QUANG LDO | 23/01/2024 09:11

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, cả nghìn kỹ sư, công nhân vẫn ngày đêm bám công trường, nỗ lực thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tuyến cao tốc xương sống của đất nước.

Tăng tốc đẩy nhanh tiến độ

Có mặt tại cầu Nước Đục (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) nơi thuộc hạng mục trong dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhiều kỹ sư, công nhân cùng thiết bị máy móc tăng tốc thi công làm cầu, thân trụ, gác dầm cầu... không kể ngày đêm.

Dưới cái nắng 11h trưa cùng với đôi bàn tay làm việc không ngừng nghỉ, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, ông Nguyễn Ngọc Viên (sinh năm 1972, từ Nghệ An vào Hậu Giang thi công đường cao tốc) - chia sẻ, thời tiết về trưa và đầu giờ chiều nắng rất gay gắt nhưng ông cùng anh, em công nhân vẫn động viên nhau cố gắng lao động.

“Tết Nguyên đán 2024 đang đến cận kề, mặc dù rất lâu đã không về quê và muốn về nhà nhưng vì cái chung, tôi vẫn thi công đến khoảng 28 Tết mới về, quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ cam kết”, ông Viên tươi cười nói.

Ông Lê Đức Tuân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) - cho biết, dịp Tết Dương lịch 2024 vừa qua, trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau các công nhân thi công xuyên lễ.

“Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị nhà thầu và liên danh tư vấn giám sát, tổ chức phát động thi đua “Xuân trên công trường” triển khai thi công xuyên Tết Nguyên đán năm 2024. Đồng thời tăng cường tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bù đắp khối lượng/sản lượng đã chậm của năm 2023” - ông Tuân thông tin thêm.

Vừa làm, vừa gỡ khó thiếu cát

Ông Bùi Văn Hà - Cán bộ Ban điều hành Tổng Công ty 36 (nhà thầu chính) - cho hay, do thiếu cát nên các nhà thầu chủ yếu thực hiện các hạng mục cầu, đổ bê tông, đúc thân trụ cầu... Khối lượng nhà thầu này thực hiện gồm 6 cây cầu và gần 6km đường.

Theo ông Hà, cát phân bố nhỏ giọt nên nhà thầu tập trung hoàn thiện công tác làm thân trụ cầu. Mỗi thân trụ thi công trong một tháng, cần sử dụng khoảng 200 khối bêtông.

“Do đổ sàn bêtông cần thời gian chờ cho ráo mặt nên nhân công thường phải thi công trong nhiều giờ, nếu đổ bêtông vào ban đêm có thể làm đến hơn 12h đêm. Số lượng nhân công làm ca đêm khoảng 120-140 người” - ông Hà nói.

Ông Lê Đức Tuân thông tin thêm, cả 2 dự án thành phần đã tổ chức triển khai thi công đồng loạt trên tuyến với 167 mũi thi công, huy động 685 đầu máy thiết bị với 1.096 nhân sự (kỹ sư, công nhân, lái máy) để triển khai thi công phát quang, đào hữu cơ, đắp cát nền đường, thi công móng cọc cầu, đổ bêtông mố trụ, đúc dầm,…

“Dự án vẫn đang gặp những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu cát do nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn (hơn 18 triệu m3). Đến nay, dự án đã tiếp nhận khoảng 1,9 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất, các mỏ đang khai thác do các địa phương bố trí và thực hiện thủ tục mở mỏ mới. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới vẫn chậm và công suất khai thác hàng ngày rất thấp (khoảng 2.000m3/ngày/mỏ) do bị giới hạn theo quy định của hồ sơ nên không đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án” - ông Tuân cho hay.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1, tổng giá trị sản lượng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đạt 3.673/18.804 tỉ đồng (không gồm dự phòng), tương đương 20% hợp đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.566/6.846 tỉ đồng (23%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 2.107/11.958 tỉ đồng (18%).

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài 110,87km, tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng. Dự án có quy mô 4 làn xe hạn chế (giai đoạn 1); mặt cắt ngang 17m. Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, thành phố Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Tuyến cao tốc này bao gồm 2 dự án thành phần: Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỉ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn