MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây sưa chết khô ở khu vực hồ Gươm. Ảnh: Phương Anh

3 cây sưa đỏ chết khô ở hồ Gươm sắp được đốn hạ

PHƯƠNG ANH LDO | 11/04/2023 12:06
Hà Nội -  5 cây xanh bị chết, trong đó có 3 cây sưa đỏ, 1 cây bằng lăng và 1 cây muồng ở hồ Gươm sẽ được đốn hạ trong tuần tới.

Ngày 6.4 vừa qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các phòng có liên quan của quận Hoàn Kiếm, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khảo sát và lên phương án xử lý cây chết tại vườn hồ Hoàn Kiếm.

Theo đó, khu vực này có 5 cây xanh bị chết, trong đó có 3 cây sưa đỏ, một cây bằng lăng và một cây muồng.

Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Ảnh: Phương Anh

Theo ghi nhận của Lao Động, cây sưa lớn nhất nằm ở khu vực sát mép hồ, gần cầu Thê Húc, đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng. Cây này có đường kính thân 59 cm, chiều cao 12 m, hiện thân đã bong tróc, lộ ra phần thân đã chết khô trong một thời gian dài.

Ông Trần Hữu Hợi (52 tuổi, phường Yên Phụ, Ba Đình) - cho biết, từ vài năm trước, một số cây sưa đã có dấu hiệu khô héo, đến nay đã chết hoàn toàn. 

"Cây sưa chết làm xấu cảnh quan của bờ hồ, nếu không may có những cành khô rụng xuống còn làm nguy hiểm đến tính mạng người dân khi đi qua khu vực này. Cơ quan chức năng cần sớm xử lý để đưa cây đi chỗ khác, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham quan, thể dục quanh bờ hồ Hoàn Kiếm" - ông Hợi nói.

Vỏ cây bong tróc, lộ ra phần thân đã chết khô trong một thời gian dài. Ảnh: Phương Anh

Là người thường xuyên chạy bộ quanh khu vực hồ Gươm, chị Hoàng Thị Ngọc Bích (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cũng lo lắng khi chứng kiến cây đã chết khô và có nguy cơ đổ gãy xuống hồ. 

"Việc cây héo khô chắc chắn làm ảnh hưởng tới mỹ quan, tiềm ẩn nguy hiểm khi có mưa, bão" - chị Bích nói.

Thân cây có hiện tượng mục ruỗng. Ảnh: Phương Anh

Ngoài cây sưa đỏ ở đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, còn có thêm 2 cây sưa mục ruỗng, chết khô ở khu vực đồng hồ hoa Thuỵ Sĩ, sát mép hồ. Đường kính 2 cây này khoảng 35 cm và cao từ 6 - 10 m.

Một cây bằng lăng và một cây muồng ở hồ Gươm cũng trong tình trạng chết khô trong thời gian dài vừa qua.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm có khoảng 40 cây sưa đỏ trong tổng số 700 cây bóng mát. Cây sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam và cấm khai thác dưới mục đích thương mại từ năm 1994.

Cây sưa đỏ chết khô gần cầu Thê Húc. Ảnh: Phương Anh

Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng nên nhiều người săn tìm nó với mong ước đổi đời. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá hàng vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg.

Các loại gỗ trong nhóm này thường dùng làm đồ mỹ nghệ, gỗ lạng, hàng mộc chạm khảm, ván sàn đặc biệt... Ở một số nơi, gỗ sưa đỏ còn được gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc.

Dự kiến, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chặt hạ 3 cây sưa nói trên vào ngày 18.4. Sau đó, đơn vị chuyên môn sẽ bàn giao khối lượng gỗ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội để làm các thủ tục tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn