MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngắm vịnh Hạ Long từ trên ngọn hải đăng bên bờ vịnh Hạ Long, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

3 giai đoạn chính để phát triển đô thị Hạ Long đến năm 2040

Ngọc Mai LDO | 18/07/2024 09:07

HĐND TP Hạ Long vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển đô thị TP Hạ Long đến năm 2040, với 3 giai đoạn nhằm mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn theo hướng phát triển đô thị tầm cỡ quốc tế, tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng, đồng thời tạo nguồn lực và động lực mới đột phá phát triển.

Mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn

Theo đó, trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), sẽ triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng khung đô thị; hoàn thiện các tuyến trục giao thông chính của đô thị và nút giao nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường nối cầu Tình Yêu và cầu Cửa Bình Minh, đường vành đai ven vịnh Cửa Lục. Phối hợp với Bộ GTVT triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân, đoạn đi qua địa bàn TP Hạ Long, triển khai xây dựng bến xe khách phía Tây và phía Đông thành phố.

Xây dựng các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, như: Bổ sung hệ thống hạ tầng thoát nước, kè chống sạt lở, khắc phục các điểm ngập lụt trong đô thị, nâng cấp các tuyến đê kè ven biển nhằm ứng phó với các hiện tượng, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Xây dựng hạ tầng du lịch của các khu du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu. Ưu tiên phát triển các khu chức năng thiết yếu và các khu có tính chất động lực của đô thị, như: Hoàn thiện Khu tổ hợp công viên đại dương SunWorld, đảo du lịch quốc tế Tuần Châu, Khu phức hợp Hạ Long Xanh, Bệnh viện quốc tế Hạ Long, Tuyến cáp treo và khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm, Khu công nghiệp Việt Hưng; Khu du lịch nghỉ dưỡng trong rừng và du lịch mạo hiểm.

Giai đoạn 2 (giai đoạn 2026-2030): Hoàn thành xây dựng các khu vực sản xuất như công nghiệp, khu du lịch, thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ; tiếp tục triển khai các khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, khu nhà ở chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đô thị, từng bước xây dựng đề án đô thị thông minh.

Phối hợp với Bộ GTVT triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đoạn đi qua TP Hạ Long (tuyến Hải Phòng - Hạ Long, điểm cuối tại phường Việt Hưng).

Nâng cao chất lượng không gian ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển; mở rộng đô thị về phía Đông (Hà Phong), phía Tây (Đại Yên) và mở rộng kết nối về phía Bắc vịnh Cửa Lục.

Tiếp tục thực hiện cải tạo chỉnh trang các khu vực trung tâm hiện hữu, phát triển hệ thống giao thông kết nối, như: Đường sắt đô thị, giao thông công cộng và giao thông thủy; phát triển đô thị hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng được thiết kế đảm bảo phục vụ đô thị và hoạt động du lịch dịch vụ.

Huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước nhằm triển khai các khu du lịch mới, như: Tổ hợp dịch vụ du lịch cao cấp Hoành Bồ, phát huy các giá trị di tích thắng cảnh, văn hóa lịch sử tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Tổ hợp dịch vụ thương mại tại các phường Hoành Bồ, Lê Lợi, Thống Nhất; Trung tâm thể thao khu vực và công viên chuyên đề, sinh thái tại khu vực Hoành Bồ, Thống Nhất, đồng thời phát triển dần các dự án du lịch cho các xã phía Bắc nhằm tận dụng tối đa khai thác tiềm năng du lịch khu vực này để kết nối tuyến du lịch vịnh Hạ Long và quy hoạch khai thác các mỏ than đã hoàn nguyên để trở thành điểm du lịch hấp dẫn mới lạ.

Giai đoạn 3 (giai đoạn 2031-2040): Phát triển bền vững với tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, lãnh thổ trong cả nước và quốc tế; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, bền vững về môi trường sinh thái; quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Tổng nhu cầu vốn trên 438.920 tỉ đồng

Tiếp tục phối hợp xây dựng tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái và Tuyến đường sắt đô thị (monorail) liên kết Cẩm Phả - Hạ Long - Quảng Yên và tuyến Hòn Gai - Bãi Cháy - Bắc vịnh Cửa Lục - Hòn Gai. Mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long.

Triển khai tái thiết đối với các khu vực như: Cái Lân, Nhà máy Ximăng Thăng Long, Nhà máy Ximăng Hạ Long, khai trường khai thác than, cơ sở sản xuất để tạo các công trình dịch vụ đô thị, công viên đô thị và bổ sung không gian phát triển cho thành phố Hạ Long.

Tổng nhu cầu vốn giai đoạn từ nay đến năm 2040 là trên 438.920 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là khoảng 43.785 tỉ đồng; ngân sách tỉnh Quảng Ninh hơn 25.900 tỉ đồng; ngân sách TP Hạ Long khoảng 149.816 tỉ đồng; nguồn vốn thu hút đầu tư trên 219.000 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn