MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3 giai đoạn để ĐBSCL hòa nhập với “bình thường mới”

TRẦN LƯU - TẠ QUANG LDO | 29/09/2021 19:02
Các địa phương ĐBSCL đang bắt đầu lộ trình khôi phục sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Ngay tại một số địa phương nghèo, cuộc sống đã dần khởi sắc, từng bước hòa nhập với trạng thái “bình thường mới”…

Ghi nhận tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, đến nay, lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai thực hiện và khôi phục hoàn toàn 100%; tất cả 20 doanh nghiệp và 157 lò sấy có phương án sản xuất bảo đảm các biện pháp an toàn được phép hoạt động bình thường trở lại.

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng dần hoạt động trở lại theo hướng cho người dân mở cửa buôn bán tại nhà, lưu động, theo các trục giao thông gồm các mặt hàng thiết yếu, tạp hóa; quán ăn, giải khát, nhà hàng được hoạt động theo hướng bán mang về. Giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách được khai thông (nhưng số ghế tối đa 50%), taxi, xe ôm… được hoạt động, tạo việc làm, phát triển KT-XH tại địa phương.

Hoạt động các bến khách ngang sông được thực hiện theo khung giờ (buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, buổi trưa từ 11 giờ đến 13 giờ; buổi chiều từ 17 giờ đến 19 giờ)... tất cả phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và test nhanh COVID-19 theo quy định.

Ông Đoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, từ ngày 30.10 đến 30.11, huyện xác định thương mại dịch vụ, giao thông, vận tải, bến khách ngang sông được hoạt động 100% công suất. Chợ truyền thống sẽ nhóm họp trở lại 50% số lô, sạp. Đồng thời, sau ngày 30.11, các lĩnh vực, hoạt động nêu trên được khôi phục hoàn toàn. Trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc thực hiện tốt các giải pháp của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cảnh mua bán nhộn nhịp tại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, sau khi huyện này được nới lỏng giãn cách, thực hiện Chỉ thị 15. Ảnh: Tạ Quang.

Theo Sở KHĐT TP.Cần Thơ, tính đến ngày 26.9, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 118 doanh nghiệp công nghiệp quay lại hoạt động, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 189 doanh nghiệp, đồng thời có 134 doanh nghiệp gửi phương án để sản xuất trở lại, có 61 doanh nghiệp đã được thẩm định đạt, 44 phương án đang được hướng dẫn thực hiện và 29 phương án đang thẩm định. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn có ý thức phòng dịch rất tốt. 

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 70.000 doanh nghiệp, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, chỉ khoảng 250 doanh nghiệp còn hoạt động. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều tỉnh từng là “tâm dịch” với số ca nhiễm cao trong vùng nhưng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước nới lỏng mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, dần tiến tới trạng thái “bình thường mới”.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết, qua làm việc với 120 doanh nghiệp có quy mô lớn ở khu vực, cùng ý kiến của nhóm chuyên gia kinh tế, VCCI Cần Thơ đề xuất mô hình sản xuất kinh doanh hợp lý, thích ứng trong bối cảnh phòng chống dịch và định hướng cho các giai đoạn phát triển “bình thường mới” theo 3 giai đoạn.

Khu nghỉ ngơi cho công nhân tại một doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” ở Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang.

Giai đoạn 1, từ nay đến hết tháng 9.2021: Khởi động tái sản xuất, giải quyết lượng nguyên vật liệu tồn kho là chủ yếu. Giai đoạn 2, kéo dài trong 2 tháng (10 và 11) mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các tỉnh, thành trong khu vực. Khi diễn biến dịch có kết quả tích cực, kiểm soát tốt, ca lây nhiễm không đáng kể thì cho phép chuyển trạng thái từ Chỉ thị 15/15+ sang Chỉ thị 19. Giai đoạn này cần mở rộng với các địa phương lân cận để bảo đảm lưu thông nguồn nguyên vật liệu sản xuất và lao động đi lại giữa các địa phương, các vùng không có dịch. Doanh nghiệp có thể nâng công suất sản xuất lên 60-80%, tuyển dụng thêm lao động ở vùng đỏ, nhưng phải xét nghiệm định kỳ và cách ly làm việc tại nhà máy.

Còn giai đoạn 3, sẽ mở rộng sản xuất, kết nối ĐBSCL với TP.HCM và Đông Nam Bộ. Sau giai đoạn 2, các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao, vì vậy giai đoạn này cần tính tới cần liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó TP.HCM và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa chế biến lương thực thực phẩm và nông thủy sản của ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn