MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội vẫn ùn tắc. Ảnh: Xuyên Đông

3 triệu ôtô chờ đăng kiểm - các chính sách tháo gỡ vẫn là đề xuất

Hiếu Anh LDO | 13/05/2023 11:34

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp tục gia tăng. Lượng xe chờ đăng kiểm lớn, lực lượng đăng kiểm vẫn rất mỏng. Các chính sách tháo gỡ vẫn chỉ là đề xuất. Nếu không sớm được giải quyết sẽ gây ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động của người dân.

3 triệu xe đang chờ đăng kiểm

Theo Bộ Giao thông Vận tải, số lượng phương tiện đến hạn chưa được kiểm định là gần 900.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định khoảng 6 tháng tới là khoảng 2.100.000 xe. Trong khi lượng xe chờ đăng kiểm lớn, lực lượng đăng kiểm vẫn rất mỏng.

Thời gian vừa qua, nhiều trung tâm đăng kiểm vi phạm trong công tác kiểm định nên đã bị cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra, khám xét, khởi tố và bắt giam khoảng trên 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên. 106 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.

Đến nay, khôi phục hoạt động trở lại được 66 trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, các đơn vị này chỉ hoạt động với công suất tối thiểu do không có đủ lực lượng đăng kiểm viên và vẫn còn 40 trung tâm đăng kiểm chưa thể hoạt động trở lại.

Với việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm, dây chuyền kiểm định và đăng kiểm viên đã dẫn đến tình trạng ùn tắc trong công tác kiểm định.

Mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quan tâm, tạo điều kiện, cử lực lượng cán bộ chiến sĩ hỗ trợ cùng với một loạt giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, công tác đăng kiểm vẫn gặp nhiều khó khăn. Năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm (với 384 dây chuyền) đang hoạt động hàng tháng chỉ đáp ứng được khoảng 500.000 xe.

Như vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc thì theo tính toán phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên (chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại). Đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn.
Xếp hàng chờ đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở TP Biên Hoà. Ảnh: Hà Anh Chiến 

Đề xuất tự động kéo dài chu kỳ đăng kiểm

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, hiện đơn vị đề xuất cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm kiểm định để thực hiện kiểm định lại (do phương tiện đã được kiểm định trước đó).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư số 238/2016/TT-BTC ngày 11.11.2016 của Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới và Thông tư số 55/2022/TT-BTC ngày 24.8.2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 238/2016/TT-BTC theo hướng điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định đang áp dụng hiện nay cũng như bổ sung mức giá dịch vụ kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu theo trình tự, thủ tục rút gọn để phù hợp với thực tiễn và đồng bộ.

Hàng loạt các chính sách điều chỉnh này được thực hiện mới hi vọng giải quyết được tình trạng ùn ứ chờ đăng kiểm, gỡ khó cho các doanh nghiệp và người dân.

* Trước thời điểm xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định, trên cả nước có tổng cộng 281 Trung tâm đăng kiểm với 491 dây chuyền kiểm định và tổng số 2.014 đăng kiểm viên tham gia hoạt động kiểm định phương tiện xe cơ giới.

* Nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định đến hàng tháng. Việc kéo dài này đã gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, bởi lẽ vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi trong khi xe không thể đưa vào khai thác sử dụng, kinh doanh vận tải, thậm chí bị hủy hợp đồng vận chuyển. Các doanh nghiệp vận tải và logistics bị ngưng trệ trong sản xuất, gây lãng phí, thiệt hại rất lớn và nguy cơ cao bị phạt do không thực hiện kịp thời các hợp đồng đã kí kết với các đối tác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn