MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống Mương Chuối - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án. Ảnh: Minh Quân

3 vướng mắc của dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 27/05/2024 19:00

TPHCM – Cho nhà đầu tư vay tiền để hoàn thiện dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, phương thức thanh toán cho nhà đầu tư là 3 vướng mắc của dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng ở TPHCM, khiến dự án này hoàn thành hơn 90% khối lượng vẫn chưa thể về đích.

Khởi công giữa năm 2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng. Dự án này đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Hiện dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, cần khoảng 1.800 tỉ đồng để hoàn thiện 10% còn lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư không còn đủ khả năng tài chính, thời gian vay kéo dài nên ngân hàng không tiếp tục cấp vốn. Dự án tạm dừng thi công từ ngày 15.11.2020 đến nay.

UBND TPHCM đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình ủy thác cho HFIC, cho nhà đầu tư vay vốn thi công phần còn lại để sớm đưa dự án vào khai thác.

Theo phương án này, TPHCM sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, TPHCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách TPHCM đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.

Tuy nhiên, phương án này vẫn còn vướng mắc nên UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng.

Thế nhưng, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) cho biết, dù có được nguồn vốn ủy thác để HFIC cho vay thì điều kiện tiên quyết để ký phụ lục hợp đồng hoàn thành toàn bộ công trình là phải thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Theo nhà đầu tư, hiện dự án phát sinh lãi vay mỗi ngày gần 2 tỉ đồng. Do đó, nhà đầu tư đề nghị phần lãi phát sinh này phải được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư, tương tự cách TPHCM thực hiện với dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Nhà đầu tư cho biết, nhiều lần gửi văn bản đến UBND TPHCM về việc này nhưng hai năm qua chưa nhận được chỉ đạo để triển khai. Việc này kéo dài sẽ càng gây lãng phí ngân sách và doanh nghiệp cũng không thể biết mức độ chi phí của dự án.

Theo tính toán của nhà đầu tư, việc tạm dừng và kéo dài dự án quá lâu khiến tổng mức đầu tư từ gần 10.000 tỉ đồng đã tăng lên hơn 14.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, dự án còn gặp vướng mắc liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định chi tiết tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỉ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND TPHCM có báo cáo và được HĐND TPHCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Hiện UBND TPHCM đã giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên tổ công tác của UBND TPHCM đề xuất tham mưu UBND Thành phố trình Chính phủ nghị quyết thay thế Nghị quyết 40 năm 2021 của Chính phủ nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn