MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ chức sinh hoạt truyền thống tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa) - ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: ND

34 năm sự kiện Gạc Ma: Điểm hẹn tháng 3 và đức hy sinh, lòng yêu nước

Thanh Hải - Thanh Thúy LDO | 11/03/2022 09:00

Kể từ tháng 3.2017 đến nay, với nhiều cựu binh Trường Sa, thân nhân các gia đình liệt sĩ Gạc Ma luôn có một lời ước hẹn cùng về Khánh Hòa, về lại nơi ra đi 34 năm trước đế cùng tưởng nhớ đồng đội đã nằm lại phía chân trời…

Cha-con, vợ chồng và lời hẹn

“Không biết năm nay lúc nào cha con anh ấy về? năm nào đến ngày là cha con anh ấy đều có mặt ở đây”- chị Nguyễn Thị Anh - Phó giám đốc Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cứ nhắc. Câu chuyện cha con cựu binh trên chiếc xe máy cà tàng năm nào cũng về Gạc Ma vào ngày 14.3 đã trở nên quen thuộc với những người canh giữ ở khu tưởng niệm. Đó là Lê Minh Thoa - Một trong số những người may mắn còn sống sót trở về sau trận chiến Gạc Ma. “Từ ngày có khu tưởng niệm tôi hứa với đồng đội đến ngày tôi và con sẽ trở về cho đến khi nào tôi không thể đi được thì con tôi sẽ nối tiếp” - anh Thoa mở đầu câu chuyện.

Trong ký ức của anh Thoa không thể quên được là khoảnh khắc sinh tử trong sự kiện Gạc Ma, Trường Sa ngày 14.3.1988: “Lúc tàu chìm tôi vớ được quả bí xanh bí đỏ làm phao, chân bị thương, tàu nó phát hiện ra yêu cầu đầu hàng nhưng lúc đó nghĩ thế nào cũng chết nên quyết tâm không đầu hàng. Hàng loạt mũi đạn đã bắn quanh tôi”. Trở về từ chiến tranh với nhiều vết thương, rồi về đời thường làm ông chủ quán phở Trường Sa ở TP.Quy Nhơn, Bình Định người cựu binh này vẫn không quên ngày bước lên tàu từ cảng Cam Ranh những đồng đội trai trẻ chia nhau từng tấm ảnh. Để rồi 34 năm sau anh cùng con trai trở lại Gạc Ma nhìn nhau trong những khuôn hình. “Mỗi lần đế tượng đài lúc nào cũng vui, phấn khởi. Mừng hơn là tôi đưa được con trở vào Gạc Ma để nó thấy các chú các bác ngày xưa đã hy sinh như thế để sau này có đi đâu thì cũng nhớ về” - Anh Thoa nói.

Với chị Mai Thị Hoa - vợ Liệt sĩ Trần Văn Phương đã hơn 30 năm chị mới được một lần nhìn thấy đủ đầy những đồng đội cùng chồng hy sinh trong trận chiến. Sau cái ngày nhận tin chồng hy sinh cho đến nay mọi vất vả, gian nan chị Hoa một mình gồng gánh. “Nhiều lần lỡ hẹn thì nay tôi cũng đến được nơi nơi chồng và các đồng đội yên nghỉ. Hạnh phúc cho con gái tôi dù không được  thấy mặt bố nhưng bây giờ luôn có bố ở bên” - chị Hoa xúc động nói.  
Tặng quà cho gia đình liệt sĩ Trương Đình Bính (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19).Ảnh: PL 

Còn với cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Dũng, anh tri ân đồng đội theo cách riêng của mình. Đó là lặng lẽ đến thăm thăm và tặng quà cho 6 gia đình thân nhân của các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Trường Sa đang thường trú tại Khánh Hòa. Trong đó có 3 gia đình ở TP.Nha Trang, 2 gia đình ở Cam Ranh 2 và 1 gia đình ở huyện Ninh Hòa. Số tiền 10 triệu đồng có thể không nhiều với vật giá đang gia tăng hiện nay, nhưng đó là sự chắt chiu, dành dụm đầy tình yêu thương và trách nhiệm của một cựu chiến binh - thương binh như ông Dũng để dành cho các đồng đội mình.

Cựu Nguyễn Văn Dũng bị thương năm 1988 trong khi đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, nhưng vào tháng 4 chứ không phải ngày 14.3. Nhưng câu chuyện của ông đã làm nhiều người xúc động, cảm phục. Đó là sự sống sót may mắn khi chuyến hải hành năm đó có người đi thay và hy sinh trong trận Gạc Ma ngày 14.3. Đó là liệt sĩ Phan Tấn Dư. Liệt sĩ Dư chỉ là anh nuôi trong đơn vị, nhưng ngày ra Gạc Ma, ông Dũng lại bị ốm, mất giọng, không thể đảm nhiệm công tác truyền tin nên anh Dư đã thay thế.

Sự hy sinh của liệt sĩ Dư khiến ông Dùng ray rứt, biết ơn. Sau khi giải ngũ, ông trở về địa phương, nỗ lực vượt khó và trở thành doanh nhân cựu chiến binh sản xuất giỏi. Nhiều năm qua, ông nhận phụng dưỡng mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên như một người con đối với mẹ ruột. 

Có một “bảo tàng” trong lòng cát

Bên trong bảo tàng Gạc Ma tại Khu tưởng niệm. Ảnh: PL
Lần theo con đường hoa giấy xuống khu trưng bày Gạc Ma, nhiều người khi đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không khỏi ngỡ ngàng. Một “bảo tàng” nằm sâu dưới lòng đồi cát bên bờ biển Bãi Dài xanh mướt mắt. Trong đó là chỗi những hồi ức đặc biệt.

Chị Đỗ Thị Hà - Vợ Liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh năm nào cũng dành vài phút trước tấm ảnh cưới của mình mỗi khi đến đây. 3 trong 8 tấm ảnh cưới mà chị quý hơn vàng được chị gửi vào đây làm kỷ vật. Cùng với 52 kỷ vật là những vật dụng thường ngày đời lính của các liệt sĩ mà đơn vị đã chuyển giao lại cho gia đình sau khi các anh hy sinh. Năm 2017, khu Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng, hoàn thành, có dành riêng một không gian trưng bày các hiện vật như một bảo tàng Gạc Ma - Trường Sa thì các gia đình đã hiến lại để lưu giữ, đồng thời để "kể" lại câu chuyện bi hùng mang tên Gạc Ma.

Đây là không gian lắng đọng nhất đối với gia đình các thân nhân liệt sĩ. Đến đây, họ như bắt gặp lại người thân qua từng chiếc balô, chiếc áo lính hay những lá thư tha thiết gửi về cha mẹ từ đơn vị... Nhưng với du khách, đặc biệt thế hệ trẻ, thì đó là những câu chuyện xúc động kể về những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Đây là những bài học trực quan nhất về đức hy sinh, lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Quảng trường hòa bình và chân trời ước vọng

Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ khi khánh thành đến nay đã có hơn 1.00 đoàn với gần 300.000 lượt khách đến thăm quan. Riêng năm 2021 có 152 đoàn và gần 10.000 lượt khách đến tham quan, tưởng niệm. Đơn vị phối hợp với các tổ chức, đơn vị giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên… Ông Võ Duy Trúc - Giám đốc Ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết: Khu tưởng niệm đã đón các đơn vị đến tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt về nguồn và là một trong những địa chỉ đỏ của tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay các Sở ngành cũng đang xây dựng chương trình giới thiệu điểm đến du lịch văn hóa về nguồn trong đó có Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Qua đó sẽ góp phần nhân rộng ý nghĩa, mục đích nhớ nguồn mà các đơn vị và nhân dân cả nước chung tay xây dựng.

Ông Hoàng Hoài Nam - Một trong số những thuyền viên trên tàu cứu hộ Đại Lãnh tiếp nước cho các đảo và tàu ở Trường Sa năm 1988 lần thứ 2 đến khu tưởng niệm Gạc Ma đã dành nhiều thời gian ghi lại những hình ảnh ở đây. “Tôi biết đến khu tưởng niệm và lần nào ra Khánh Hòa đều dành thời gian đến đây. Bởi tôi đi tìm lâu rồi mới thấy được những khuôn mặt bạn bè cũ. Ngày chúng tôi cùng xuất phát từ cảng Cam Ranh, anh em chào nhau, biết mặt, lúc ấy chúng tôi đi cũng chỉ mong muốn xây dựng đảo và hòa bình. Và 34 năm sau khi đến đây tôi cảm nhận được điều đó. Một không gian yên nghỉ hòa bình. Tôi chỉ ước mong điều đó” - Ông Nam chia sẻ.

Với người đàn ông đã qua cuộc chiến “Quảng trường Hòa bình trong khu tưởng niệm là điều tôi cảm ơn những người đã xây dựng và cũng là điều mà những người lính, những người dân, những du khách đặt chân đến đây ước muốn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn