MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Vành đai 3 đoạn ở Bình Dương hoàn thành. Ảnh: Minh Quân

4 giải pháp giúp sớm hoàn thành đường Vành đai 3 TPHCM

MINH QUÂN LDO | 10/04/2022 06:49

Chỉ định thầu, đấu giá quỹ đất hai bên đường, chia làm 8 dự án thành phần và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng là bốn giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án Vành đai 3 TPHCM.

4 cơ chế đặc thù

Dự án Vành đai 3 đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An với tổng chiều dài hơn 90km. Sau 11 năm quy hoạch, dự án mới có 15km đi qua Bình Dương hoàn thành đưa vào khai thác. 

Sau nhiều chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các địa phương và bộ ngành liên quan đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Vành đai 3, chuẩn bị trình dự án lên Quốc hội vào tháng 5 tới. Trong đó, các địa phương đề xuất một số cơ chế để Vành đai 3 hoàn thành trong 4 năm tới.

Sơ đồ dự án Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Về nguồn vốn đầu tư, các địa phương đề xuất Quốc hội cho sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương để đầu tư Vành đai 3.

Tổng mức đầu tư dự án Vành đai 3 giai đoạn một dự kiến 75.300 tỉ đồng. Ngân sách Trung ương dự kiến bố trí gần 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% đoạn qua Long An.

Để có nguồn lực đầu tư dự án, các địa phương đề xuất rà soát, thu hồi quỹ đất dọc vành đai để đấu giá. Thống kê sơ bộ, TPHCM có khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý có thể bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng.

Tỉnh Đồng Nai có khoảng 214ha có thể khai thác với giá trị có thể thu về sau khi đấu giá khoảng 4.332 tỉ đồng. Nguồn quỹ đất ở Bình Dương và Long An cũng đang được rà soát. Như vậy, nếu khai thác tốt quỹ đất dọc Vành đai 3, các địa phương sẽ không thiếu tiền làm dự án.

Về tổ chức thực hiện dự án Vành đai 3, các địa phương đề xuất phân chia dự án thành 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án gồm: Xây dựng đường giao thông và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Về cơ chế chỉ định thầu, các địa phương kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu: Tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, xây lắp để thực hiện dự án.

Ngoài ra, các địa phương kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án.

Chỉ định thầu phải minh bạch

Chỉ định thầu được xem là cơ chế then chốt sớm đưa Vành đai 3 TPHCM về đích. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho rằng, với dự án lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công lớn trải dài qua các địa phương nên việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ.

“Cơ sở của đề xuất này là mới đây Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, cho phép các dự án quan trọng, quy mô lớn, cấp bách liên quan hạ tầng giao thông, y tế được xem xét, quyết định chỉ định thầu trong năm 2022 và 2023” - ông Phúc nói.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về nguyên tắc đầu tư công phải là đấu thầu. Tuy nhiên, nếu chỉ định thầu mà minh bạch, không tiêu cực còn tốt hơn.

“Với những dự án giao thông vùng như đường Vành đai 3 bao gồm nhiều địa phương phối hợp lại chứ không phải một địa phương thì rõ ràng chỉ định thầu khó mà không minh bạch được. Công khai, minh bạch là quan trọng nhất và như thế sẽ loại bỏ được "sân sau", "quan hệ". Minh bạch trong chỉ định thầu sẽ chọn nhà thầu tốt” - ông Lịch nói.

Ngoài vấn đề bố trí ngân sách Trung ương, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần cơ chế để huy động nguồn lực làm Vành đai 3. Các địa phương đề xuất khai thác quỹ đất dọc tuyến đường để đấu giá, thu về cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng là cần thiết.

“Tôi tin rằng quỹ đất hai bên đường Vành đai 3 nếu có cơ chế tốt, tổ chức quy hoạch, đấu giá thì nguồn thu đủ sức làm con đường này. Nhưng muốn làm được phải có chủ trương của Chính phủ và sự hợp tác của các địa phương trong vùng” - ông Lịch nói. 

Theo kế hoạch, dự án Vành đai 3 được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5. Sau khi được thông qua, tuyến sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026. 

Dự án Vành đai 3 hoàn thành giúp giảm các xe quá cảnh qua TPHCM, giảm tải giao thông khu vực nội đô và kết nối các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn