MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM ngày càng đa dạng hóa loại hình giao thông đi lai. Ảnh: Minh Quân

4 loại hình giao thông lần đầu xuất hiện tại TPHCM

MINH QUÂN LDO | 01/02/2022 12:30

TPHCM - Xe đạp công cộng, phà biển, buýt điện, buýt sông là 4 loại hình giao thông lần đầu xuất hiện ở TPHCM giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại, từ đó góp phần phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân.

Phà biển

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu dài 15 km hoạt động từ đầu năm 2021 với điểm đầu tại bến Tắc Suất, thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) đến Thành phố Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu).

Tuyến vận tải này hiện có 2 phà hoạt động. Phà được thiết kế hai thân, dài 45 m, rộng 10 m, tốc độ tối đa 24 hải lý (hơn 43 km) mỗi giờ. Khoang hành khách của phà được thiết kế 2 tầng với 330 chỗ nhưng chở tối đa 190 người. Ngoài khách, phà chở thêm 10 ôtô, 50 xe máy và hàng hóa...

Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Ảnh: Minh Quân

Vé cho mỗi lượt khách là 70.000 đồng; khách đi xe chịu thêm phí tùy phương tiện, thấp nhất là xe máy và xe đạp giá 50.000 đồng. Ôtô loại 4 chỗ và xe bán tải là 350.000 đồng; từ 7 đến 20 chỗ là 450.000 đồng; từ 20 đến 26 chỗ là 600.000 đồng và từ 26 chỗ trở lên là 800.000 đồng mỗi xe. Với xe tải, giá vé áp dụng thấp nhất cho loại dưới 3 tấn là 400.000 đồng, cao nhất một triệu đồng cho xe từ 8 tấn trở lên. Phà không vận chuyển xe container.

Tuyến phà biển này giúp người dân, hàng hóa từ Cần Giờ đi Vũng Tàu còn 30 phút, thay vì 3 giờ 30 phút bằng đường bộ.

Xe đạp công cộng

Giữa tháng 12.2021, xe đạp công cộng chính thức lăn bánh trên đường phố TPHCM với giá cho thuê 5.000 đồng trong 30 phút, 10.000 đồng một giờ. Có 43 trạm với gần 400 xe đạp được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt; công viên, điểm du lịch... thu hút nhiều người đến trải nghiệm.

Xe đạp cho thuê gắn khóa thông minh, định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng TNGO trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng...

Xe đạp công cộng trên đường phố TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Theo nhà đầu tư, hơn một tháng thí điểm, có gần 70.000 khách đăng ký thuê xe sử dụng. Khách thuê đông tập trung vào cuối tuần, trong đó độ tuổi 18-40 chiếm tỉ lệ lớn.

Ngành giao thông TPHCM kỳ vọng mô hình xe đạp công cộng ở khu trung tâm TPHCM giúp người dân, du khách thêm lựa chọn đi lại và đa dạng loại hình giao thông công cộng. Mô hình sẽ góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống metro ở thành phố, với tuyến đầu tiên là Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp khai thác.

Sau một năm thí điểm, Sở GTVT TPHCM sẽ đánh giá, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này ở quận 1, 3 và các Khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm.

Xe buýt điện

5 tuyến xe buýt điện đầu tiên dự kiến được ngành giao thông TPHCM thí điểm từ quý 1 năm nay. Thời gian thí điểm dự kiến trong 2 năm, TPHCM trợ giá hơn 44%.

Cụ thể, các tuyến buýt được đề xuất thí điểm gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart); VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất); VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn); VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới); VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).

Buýt điện chạy thử nghiệm trên đường phố TPHCM. Ảnh: Mạnh Linh

Khoảng 77 xe được đầu tư trên các tuyến buýt nói trên, mỗi xe 65-70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động từ 5 - 21h mỗi ngày. Giá vé được đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000 - 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại, tùy tuyến. Tập 30 vé giá từ 112.500 - 157.500 đồng, tuỳ tuyến.

Sở GTVT TPHCM kỳ vọng phát triển xe buýt điện giúp đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và giảm ô nhiễm môi trường.

Buýt sông

Từ đầu tháng 12.2021, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đã triển khai tuyến buýt đêm đầu tiên cho người dân dạo quanh, ngắm cảnh sông Sài Gòn thơ mộng.

Tuyến buýt đêm đường sông hoạt động từ 19h - 20h mỗi ngày, điểm xuất phát ở bến Bạch Đằng (quận 1) và có lộ trình đi qua bến Bình An (Thành phố Thủ Đức) và ngược lại, giá vé 15.000 đồng/lượt.

TPHCM triển khai tuyến buýt đêm đường sông để phát triển du lịch.  Ảnh: Chân Phúc

Trước đó, từ năm 2017, TPHCM đưa vào khai thác tuyến buýt sông số 1 có lộ trình 10,8 km từ quận 1 đi Thành phố Thủ Đức (Bạch Đằng - Linh Đông) - là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên ở TPHCM.

Theo chủ đầu tư, trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, tuyến vận tải này mỗi ngày chở gần 2.000 khách.

Ngoài tuyến số 1, tuyến buýt sông số 2 từ quận 1 đi quận 8 (Bạch Đằng - Lò Gốm) đang chờ triển khai.

Hai tuyến buýt sông khác từ quận 1 đi quận 7, gồm: số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ) đang được đề xuất đầu tư.

Ngành giao thông TPHCM kỳ vọng buýt sông không chỉ giúp góp phần làm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông mà còn tạo đà cho phát triển du lịch tại TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn