MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Văn Thức gắn bó với nghề rèn thủ công 40 năm. (Ảnh: Hoàng Long)

40 năm ''giữ lửa'', làng nghề rèn Vân Ngoại hối hả ngày cận Tết

LAN NHƯ-PHƯƠNG NGA LDO | 27/12/2020 06:56

Hiện nay nghề rèn thủ công ở nhiều nơi đang dần mai một, những người theo nghề còn lại chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng tại làng Vân Ngoại, xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) những lò rèn vẫn ngày đêm “đỏ lửa”.

Nghiệp đe búa

Nghề rèn tại thôn Vân Ngoại đã có từ lâu, đây là địa điểm quen thuộc được người dân địa phương ghé đến tìm mua dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, các thành phẩm của làng rèn Vân Ngoại còn được mang tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ở làng Vân Ngoại, dịp cuối năm, lò rèn của ông Hoàng Văn Thức từ sáng đến tối lúc nào cũng bập bùng lửa đỏ, đều đặn tiếng gõ búa. Cái nghề trông nóng nực, bức bối, lấm lem là vậy nhưng lại khiến ông Thức say mê, sảng khoái.

Gia công nông cụ tại lò. (Ảnh: Lan Như)

Lò rèn được mở từ năm 1981, chủ yếu kinh doanh theo hộ gia đình. Nhớ lại những ngày mới bước vào nghề, ông Thức gọi đó là “duyên nợ”. Là con thợ rèn, từ bé ông đã quen với công việc lặt vặt bên lò bễ. Đến khi trưởng thành, ông Thức vẫn gắn bó công việc cùng lò bễ, đe, búa.

Ở độ tuổi ngoài 60, ông Thức vẫn hàng ngày tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo trong từng khâu sản xuất nông cụ. Nhờ vậy, cả năm không có lúc nào xưởng rèn vắng khách.

Đặc biệt vào dịp cuối năm, người dân đến lò rèn nhiều hơn tìm mua dụng cụ cần thiết phục vụ cho ngày Tết. “Năm nào cũng vậy, cứ vào những tháng giáp Tết Nguyên đán, số lượng các hợp đồng rèn nông cụ cao gấp 2-3 lần các tháng khác. Bởi sau Tết, hầu hết các nhà nông đều bước vào vụ sản xuất mới, nhu cầu các loại nông cụ tăng cao, nhất là các tỉnh miền núi” - ông Thức chia sẻ.

Thông thường, để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn phải thực hiện đầy đủ các bước. Từ công đoạn ra phôi, đến việc gia công trong lò. Trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 200 sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như: Cuốc, xẻng, liềm, dao...

Công đoạn tạo thành phẩm của thợ rèn. (Ảnh: Hoàng Long).

Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ năm 1990, ông Thức đã "chơi lớn", đầu tư thêm máy móc. Mấy chục năm, dù đã cũ, nhưng hệ thống máy móc vẫn mang lại giá trị lớn.

Quyết giữ nghề rèn

Hơn chục năm trước, làng Vân Ngoại có gần trăm lò rèn. Đến nay, nhiều hộ đã chuyển sang ngành nghề khác. Với vài chục hộ còn theo nghề, ai cũng quyết tâm giữ nghề truyền thống của quê hương.

Để nghề rèn tiếp tục được duy trì, hàng năm cứ vào ngày 2.11 dương lịch, các hộ làm nghề trong làng lại tổ chức lễ cúng Tổ. Đây cũng là cách khơi gợi niềm tự hào cho các thế hệ nối nghiệp rèn, đồng thời là dịp để các hộ trong thôn ôn lại kỷ niệm, tiếp thêm sức mạnh cho lớp trẻ vững bước phát triển nghề.

Các sản phẩm nông cụ được sản xuất ở thôn Vân Ngoại. (Ảnh: Lan Như)

“Chúng tôi cố gắng giữ nghề, dù khó khăn cũng giữ nghề. Tôi sống bên lò than qua bao mùa nóng gắt, trên 30 độ là phải tưới nước khắp nhà để giảm nóng, lò lửa rát da, rát thịt nhưng không bỏ được nghề. Không thật sự yêu nghề thì không làm nổi nghề này đâu" – Ông Thức nói.

Nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, thời gian qua nhiều hộ trong thôn đã thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với mức thu nhập trung bình từ 8-9 triệu đồng/người/tháng, công việc đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Huyên, Trưởng thôn Vân Ngoại cho hay: “Nghề rèn tại làng Vân Ngoại là nghề truyền thống lâu đời, thời gian sau có thể nhiều loại máy móc sẽ thay thế. Chính vì vậy, người thợ cần được nâng cao tay nghề, nghiên cứu phương thức sản xuất hiện đại, tập trung chế tạo ra các sản phẩm được vận hành bằng máy móc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn