MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiêu lừa đảo cộng tác viên online "việc nhẹ lương cao". Ảnh: Cục An toàn thông tin

5 chiêu lừa đảo mới sau đợt nghỉ Tết nguyên đán

KHÁNH AN LDO | 25/02/2024 09:57

Ngày 25.2, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 5 hình thức lừa đảo trực tuyến sau đợt nghỉ Tết nguyên đán (từ ngày 19.2 đến ngày 25.2).

Lừa đảo quảng cáo xây nhà gỗ

Đối tượng Đ.V.C (Hà Nam) vừa bị bắt giữ vì hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức quảng cáo lừa đảo xây nhà trên mạng xã hội.

Sử dụng các trang mạng xã hội Facebook có tài khoản "Nhà gỗ Bảo Lâm" và "Nét đẹp Cổ truyền", đối tượng liên tục chạy quảng cáo giới thiệu khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ. Khi có khách hàng liên hệ, đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc và sau đó hủy kết bạn, chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản.

Bằng thủ đoạn này, từ năm 2023 đến đầu năm nay, đối tượng Đ.V.C đã lừa chiếm đoạt lên tới 2,5 tỉ đồng.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo nêu trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội. Người dân cần tìm hiểu, kiểm tra và xác minh kỹ thông tin của người cung cấp, chất lượng sản phẩm trước khi giao dịch qua mạng xã hội hay bất kỳ trang web nào.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

Giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo

Lực lượng công an mới đây đã phát hiện, bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.

Để phòng tránh "sập bẫy" lừa đảo, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi lạ có dấu hiệu đáng ngờ; không làm theo yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng; đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng...

Lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng xã hội

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng những mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website, quảng cáo lãi suất cao, an toàn và linh hoạt để thu hút nạn nhân.

Ban đầu, đối tượng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu người chơi muốn rút tiền thì phải đóng các khoản tiền để xác minh. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Để phòng việc tái diễn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web, ứng dụng không rõ ràng, không được cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam.

Người dân cần cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời, tự trang bị kiến thức về tài chính, đầu tư để không bị dẫn dụ bởi các lời hứa hẹn không thực tế.

Lừa đảo cộng tác viên online

Thời gian gần đây, có nhiều người dân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Theo Cục An toàn thông tin, khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.

Lừa đảo khi mua vé xem phim, tham gia sự kiện

Mới đây, Trung tâm Chiếu phim quốc gia ghi nhận có tình trạng khán giả bị lừa khi mua lại vé phim "Đào, Phở và Piano" tại các hội, nhóm trên mạng xã hội.

Cụ thể, nhiều người dùng vì không thể mua vé tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “giao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo khán giả không mua vé xem phim do người khác bán lại trên Internet để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Người dân nên lựa chọn những địa chỉ, website uy tín và được xác minh rõ ràng; hoặc giao dịch trực tiếp để tránh tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn