MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng lên 53 - 60m để xóa kẹt xe. Ảnh: Minh Quân

5 dự án BOT mở rộng cửa ngõ TPHCM hơn 44.500 tỉ đồng hấp dẫn nhà đầu tư

MINH QUÂN LDO | 17/06/2024 17:35

TPHCM – 5 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22, đường trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên có tổng mức đầu tư hơn 44.500 tỉ đồng đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

5 dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu trên được TPHCM thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trong đó, Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài gần 5,9 km sẽ được mở rộng lên 53 - 60 m, tổng vốn đầu tư hơn 13.850 tỉ đồng.

Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 12.900 tỉ đồng.

Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 40 m, tổng vốn đầu tư gần 7.200 tỉ đồng.

Đường trục Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 8 km được mở rộng lên 60m, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỉ đồng.

Cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km, rộng 30 - 40m, tổng vốn đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng.

Ngày 17.6, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam đã nhận được đề xuất của 4 nhà đầu tư. Tiếp đến là dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 có 2 nhà đầu tư đề xuất tham gia. Các dự án còn lại cũng có nhà đầu tư quan tâm.

Điểm hấp dẫn tại các dự án BOT trên là tỉ lệ vốn góp của ngân sách TPHCM chiếm 50 - 70% trong tổng vốn đầu tư dự án. Khi có sự tham gia từ 50% vốn của nhà nước, thì phần vốn góp còn lại rất phù hợp với năng lực nhà đầu tư.

Hơn nữa, khi vốn nhà nước tham gia dự án ở phần giải phóng mặt bằng, thì nhà đầu tư sẽ bớt rủi ro.

Một điểm hấp dẫn nữa là, 5 dự án BOT đều nằm ở cửa ngõ TPHCM, với mật độ xe lưu thông lớn, nên khả năng hoàn vốn nhanh hơn các dự án khác.

Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch nối TPHCM với Bình Dương nhưng thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Anh Tú

Theo Sở GTVT TPHCM, việc triển khai các dự án BOT tại TPHCM sẽ tiến hành theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nên tất cả dự án phải đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án BOT trên.

Sở GTVT TPHCM sẽ chi hơn 21 tỉ đồng cho bốn gói thầu tại mỗi dự án, gồm: Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trong đó, gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được đấu thầu rộng rãi, trong nước qua mạng, các gói thầu còn lại được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Thời gian thực hiện các gói thầu từ 60 đến 150 ngày và thực hiện ngay trong quý II/2024.

Theo kế hoạch, sau khi thực hiện xong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Sở GTVT TPHCM sẽ khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư vào quý IV/2024.

Sau đó sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu vào quý II/2025. Thực hiện ký kết hợp đồng dự án trong quý III/2025, thi công từ quý IV/2025, đưa vào khai thác từ năm 2027 đến 2028.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn