MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Phùng Minh

5 giải pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

KHÁNH AN LDO | 08/12/2023 17:48

Ngày 8.12, tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ", ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ - đề xuất 5 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng, giảm tỉ lệ hộ nghèo.

Vùng trung du và miền núi Bắc bộ là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo của vùng còn rất lớn (12,29%), cao gấp 4,6 lần so với mức trung bình toàn quốc (2,75%) do quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác; một số lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chuyển biến chậm.

Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ - đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Thứ nhất, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, phấn đấu đến năm 2030 có 85% số xã, thôn trong vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thứ hai, cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có 80% số hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.

Thứ ba, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát Đảng, chính quyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang mà nòng cốt là bộ đội biên phòng, công an và dân quân tự vệ trong việc giúp đỡ nhân dân, vận động nhân dân bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu .

Cuối cùng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Tổ chức thực hiện tốt chính sách theo hướng giảm dần cơ chế "cho không", tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư kết cấu hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế...; tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các nguồn lực; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn