MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưới chân ông Định là ngôi nhà đã bị trận sạt lở đất vùi lấp. Ảnh: MN.

5 năm thấp thỏm với nỗi lo ngủ dậy... mất nhà

Minh Nguyễn LDO | 24/06/2023 08:17

Phú Thọ - Đã hơn 5 năm từ ngày thiên tai ập vào xóm Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, nhưng đến hiện tại, người dân vẫn chưa hết lo sợ sạt lở sẽ cướp đi những ngôi nhà họ đang ở.

Suốt 5 năm qua (từ năm 2018), bà con người Mường ở xóm Nhàng luôn canh cánh nỗi lo khi mùa mưa đến. Những trận sạt lở khiến nhiều ngôi nhà đã bị vùi lấp. Cái đói cái nghèo nơi xóm núi còn chưa xóa được, nay họ phải sống trong sự phấp phỏng lo âu.

Đêm sạt lở kinh hoàng

Gia đình ông Hà Văn Định sống ở ngay chân núi Khốn (xóm Nhàng, xã Kim Thượng). Sau bao năm chắt bóp, vợ chồng ông mới xây được ngôi nhà 3 gian. Vậy mà giờ đây, ngôi nhà đó đã bị vùi sâu trong lớp đất đá. Đồ đạc trong nhà cũng cùng chung số phận.

Ông Định dẫn chúng tôi ra thăm ngôi nhà cũ, giờ chỉ là một nơi lổn nhổn đất đá. Đời ông chưa bao giờ nghĩ, có một ngày, "thần núi" đã cướp đi toàn bộ gia tài của mình.

Mỗi khi kể lại đêm mưa kinh hoàng đó, ông Định vẫn còn chưa hoàn hồn. Vào đêm tháng 6.2018, trời mưa như trút nước. Đúng hôm đó, em trai ông tổ chức cưới cho con. Cả nhà ông sang bên đó làm giúp. Khoảng hơn 20h, ông nhận được tin báo của hàng xóm là nhà ông đã bị vùi lấp toàn bộ.

Tình trạng sạt lở núi đã đẩy nhiều hộ dân xóm Nhàng rơi vào tình trạng nguy hiểm. Ảnh: MN.

“Khi ấy, tôi tưởng bà con nói đùa, nhà tôi vừa xây làm sao mà sập được. Tôi mới chạy vội về thì thấy ngôi nhà thân yêu của mình đã nằm dưới lớp đất đá. Chỉ có duy nhất chiếc máy tuốt lúa tôi để ở sân thì đã trôi xuống đến đường. Hôm đó mà gia đình tôi ở nhà chắc tất cả đều bị chôn chung một chỗ rồi”, ông Định đượm buồn kể.

Cạnh nhà ông Định là nhà bà Xa Thị Chành cũng đã phải trải qua những ngày kinh hoàng. Hôm ấy, cả nhà bà đang xem ti vi bỗng nghe tiếng động mạnh phía sau nhà như bom nổ. Tiếng đá lăn, tiếng cây gãy răng rắc.

Theo phản xạ cả nhà bà chạy hết ra ngoài sân. Trời khi đó đang mưa như trút nước, mọi người nhìn sang nhà hàng xóm đã không thấy nhà ông Định, ông Dũng đâu.

“Các con tôi chỉ kịp cõng tôi chạy xa chân núi, may mắn đã thoát nạn. Nhưng giờ gia đình tôi vẫn ở chân núi, tuy biết không được an toàn nhưng không có điều kiện để đến nơi ở khác”, bà Chành nói.

Sau đêm ấy, toàn xóm có 5 hộ mất nhà, 75 gia đình nằm trong diện phải di dời.

Nhiều gia đình có điều kiện đã chuyển nơi ở khác. Ảnh: MN.

80 hộ dân sống trong lo âu

Hình ảnh xóm Nhàng với những ngôi nhà sàn yên bình nằm dưới chân núi nhưng lại đang ẩn chứa rủi ro khôn lường. Trời động mưa là bà con sông ở chân núi phải tìm đường di dân sang nhà khác vì no núi lở.

Bà Hà Thị San có ngôi nhà sàn cạnh núi cũng đang sống trong lo âu. Tưởng như, những năm cuối đời bà có thể yên tâm hưởng thụ tuổi già nơi sơn cước. Tuy nhiên, trong câu chuyện của bà San lại chứa đầy sự bất an.

“Núi Khốt cứ hễ trời động mưa là sạt lở. Nhiều hộ gia đình đã bị vùi mất mất gần như tất cả. Tôi cũng đang lo mùa mưa năm nay, có khi ngủ dậy thì bay mất nhà... ”, bà San lo lắng.

Cũng giống như bà San, tất cả hộ dân khác của xóm Nhàng sống dưới chân núi cũng đang ngày đêm lo núi sạt lở. Nhiều gia đình sau bao năm chắt bóp mới dựng được ngôi nhà kiên cố, nay những cố gắng đó của bà con đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Nhiều người dân vẫn đành ở lại chân núi Khốt, dẫu biết nguy hiểm cận kề. Ảnh: MN.

Theo Hà Văn Thản - Trưởng xóm Nhàng: Xóm có 186 hộ dân, trong đó có 80 hộ dân sống ở chân núi Khốt. Những năm trở lại đây, năm nào núi Khốt cũng bị sạt lở, nhưng chưa có gia đình nào bị đất đá sạt lở vào. Chỉ có 5 gia đình có điều kiện để chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, số còn lại vẫn đang sống dưới chân núi.

“Vào đầu mùa mưa lũ, tôi thường đến động viên các hộ chủ động di chuyển đi nơi khác lánh nạn. Năm nay, thời tiết được dự báo mưa gió thất thường, bà con xóm đang sống trong sự bất an”, ông Thản cho biết.

Ngay khi tình trạng sạt lở núi Khốt diễn ra, UBND xã Kim Thượng đã báo cáo vụ việc lên UBND huyện Tân Sơn. Cũng trong thời gian đó, huyện đã có chủ trương hỗ trợ di dời các hộ dân sống dưới chân núi Khốt đi nơi khác.

Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc di dời các hộ dân mới chỉ dừng lại ở chủ trương. Dẫu biết rằng trong những năm qua, 80 hộ dân đang phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng họ không còn cách nào khác ngoài việc tìm đến nơi ở tạm mỗi khi mưa đến.

Trao đổi với PV, ông Phùng Văn Cửu - Bí Thư Đảng ủy xã Kim Thượng cho biết: “Trước mắt, xã đã vận động các hộ sống ở vùng nguy hiểm chuyển nhà đi nơi khác. Ngoài ra, xã kết hợp với thôn thường xuyên tổ chức nhắc nhở người dân chủ động di chuyển khi mùa mưa lũ về. Được biết, phía chính quyền huyện cũng đang triển khai dự án di dân xóm Nhàng. Việc này sẽ được triển khai trong năm tới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn