MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
5 "siêu" ban QLDA của Hà Nội có gần 1.000 cán bộ. Ảnh: Tiền Phong.

5 "siêu ban" gần 1.000 nhân sự ở Hà Nội: Làm sao để bớt cồng kềnh?

VƯƠNG TRẦN LDO | 13/10/2017 08:16
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội, hiện nay TP có 5 ban xây dựng công trình chuyên ngành được sáp nhập từ 26 ban quản lý dự án (QLDA) tiền thân thuộc thành phố và trực thuộc các sở ngành. Số lượng cán bộ của 5 ban này lên tới 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.

Các ban QLDA chuyên ngành được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 ban quản lý dự án - tiền thân trực thuộc thành phố và trực thuộc các sở ngành.

Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND TP, một số các ban QLDA hiện mới chỉ được kho bạc tạm ứng kinh phí tối thiểu cho hoạt động đơn vị, do chưa được cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt dự toán. Nhiều đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động (kinh phí hoạt động trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao). Một số Ban QLDA chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017.  

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên được Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP Hà Nội chỉ rõ là do số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai. Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ sơ dự án của các chủ đầu tư trước đây chưa đảm bảo chặt chẽ, tính trách nhiệm trong công tác bàn giao của từng đơn vị, từng cán bộ chưa đồng đều. Tính chuyên nghiệp của các BQLDA, trình độ của cán bộ tham mưu chưa cao…

>>>Infographic: Hà Nội: Quá trình hình thành 5 “siêu ban” với gần 1.000 cán bộ sống lay lắt

Nhiều ý kiến cho rằng, bộ máy được sắp xếp lại vẫn còn cồng kềnh và chưa thực sự hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Đầu tiên, cần căn cứ vào khối lượng công việc để xác định các vị trí công tác một cách khoa học. Về mặt tổ chức thì phải căn cứ vào sơ đồ tổ chức của từng đơn vị. Phải thiết kế sơ đồ tổ chức lao động, xác định rõ bao nhiêu vị trí mà mỗi vị trí này là bao nhiêu việc. Lên sơ đồ để tính toán được số lượng nhân sự. Sắp xếp những vị trí nào cần chuyên môn, trình độ cao, những vị trí nào phổ thông… Nguyên tắc thông suốt là từ khối lượng công việc mà tính toán số lượng nhân sự cho hợp lý.

“Khi những tổ chức này được sắp xếp lại, nếu có vị trí trùng nhau thì phải thu gọn đầu mối lại. Có như vậy thì mới có thể nâng cao được hiệu quả, thuận lợi cho việc quản lý. Từ việc mà sinh ra người. Cần phải xác định rõ khối lượng công việc như thế nào? Nhìn vào tổng hợp sơ đồ công việc thì cần bao nhiêu vị trí việc làm… Như vậy bộ máy mới bớt cồng kềnh mà hiệu quả”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn