MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, trong khi đường trên cao số 1 đi qua khu vực này sau 13 năm nghiên cứu vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Minh Quân

5 tuyến đường trên cao TPHCM: Lao đao suốt chục năm vẫn chưa khởi công

Huyền Trân LDO | 07/08/2020 14:54
Trong khi quỹ đất dành cho diện tích đường sá ngày càng hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trên cao được xem là một trong những giải pháp cấp bách để góp phần giải quyết vấn nạn kẹt xe của TPHCM. Dù đã được quy hoạch và triển khai nghiên cứu cách đây hơn chục năm, nhưng đến nay, thành phố vẫn chưa khởi công được tuyến đường trên cao nào.

13 năm nghiên cứu rồi vẫn nằm trên giấy

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2007 (sau đó phê duyệt điều chỉnh năm 2013), thành phố có 5 tuyến đường trên cao, với tổng chiều dài 70,7km, quy mô 4 làn xe. Trong đó, mục tiêu đặt ra cho thành phố là đến năm 2020 phải xây dựng được ít nhất 1-2 tuyến đường trên cao. Ấy vậy mà đến nay đã bước sang quý III/2020, mục tiêu đó vẫn là con số 0.

Trong số 5 tuyến đường trên cao được quy hoạch, tuyến trên cao số 1 được thành phố xác định ưu tiên hàng đầu nhằm giải quyết điểm nóng kẹt xe khu vực cửa ngõ Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Cách đây khoảng 13 năm, vào 12.2007, tuyến trên cao số 1 được nhà đầu tư GS E&C (Hàn Quốc) tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư theo hình thức BOT. Theo tính toán ban đầu dự án này dài 9,5km, 4 làn xe, tổng số vốn khoảng 340 triệu USD. Thế nhưng đến đầu năm 2009, do điều kiện kinh tế không thuận lợi và để dồn lực cho dự án khác nên nhà đầu tư này thông báo không tiếp tục dự án.

Sau đó khoảng năm 2012, số phận tuyến đường này tiếp tục được thành phố trao cho Công ty Cổ phần (Cty CP) Bê tông 620 Châu Thới nghiên cứu, với vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng (gồm xây dựng và giải phóng mặt bằng), thời gian thực hiện 4 năm, và rồi Cty này cũng rút lui. Dự án từ đó gần như rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Mãi đến năm 2017, Cty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) tham gia đề xuất làm tuyến đường trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư khoảng 21.500 tỉ đồng, trong đó vốn đền bù giải tỏa khoảng 10.000 tỉ đồng và rồi dự án cũng... bất động.

Tương tự tuyến đường trên cao số 2, từ đầu năm 2008, UBND TPHCM giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad của Malaysia nghiên cứu khả thi dự án, với tổng đầu tư ước khoảng 12.000 tỉ đồng. Tuyến số 3, từ năm 2012, được thành phố giao cho Cty CP BDS Thiên Bình An nghiên cứu với tổng vốn đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng. Rồi tuyến số 4, được thành phố giao Tổng Cty Xây dựng số 1 TNHH TMV nghiên cứu, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng…

Có một thực tế đáng buồn là các nhà đầu tư sau khi được giao nghiên cứu các tuyến đường trên cao này vì nhiều lý do đều đã không đi đến cùng. Và sau gần 13 năm nghiên cứu, đến nay, tất cả 5 tuyến đường trên cao của TPHCM đều còn nằm trên giấy.

Chờ thêm 5-10 năm nữa

Dù không nói ra, song có một nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư sau khi tham gia đề xuất dự án rồi ra đi không trở lại là đa phần nguồn vốn đầu tư các dự án đường trên cao khá lớn, trong khi phương án thu hoàn vốn không khả thi. Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng vốn đầu tư trung bình của mỗi dự án cách đây gần 10 năm đã hơn 10.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 20%-50% tổng vốn đầu tư. Thậm chí, có dự án như tuyến đường trên cao số 4 vào thời điểm năm 2011, vốn giải phóng mặt bằng (khoảng 5.000 tỉ đồng) cao hơn cả vốn xây dựng (khoảng 4.900 tỉ đồng).

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, chủ trương 5 tuyến đường trên cao ở TPHCM được xây dựng theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, nhiều năm qua, đã có một số nhà đầu tư tới hỏi thăm dự án rồi đi không trở lại. Sắp tới, Sở GTVT sẽ thảo luận với các sở, ngành để đề xuất đầu tư trước một tuyến bằng ngân sách.

Theo đề án phát triển kết cầu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM đến năm 2030 vừa được  Sở GTVT đề xuất lên thành phố cho thấy, trong giai đoạn 2020-2025 sẽ ưu tiên làm trước tuyến trên cao số 1 (dài 9,5km, với tổng vốn đầu tư 17.500 tỉ đồng) và tuyến số 5 giai đoạn 1 (dài 21,5km, với tổng vốn khoảng 15.450 tỉ đồng) bằng nguồn vốn ngân sách. Các tuyến còn lại sẽ triển khai sau đó.  

Như vậy, người dân TPHCM phải đợi thêm ít nhất từ 5-10 năm nữa mới có thể thấy được hình hài của các tuyến đường trên cao.

Ngân sách lo đền bù, nhà đầu tư lo xây dựng mới khả thi

Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, dự án đường trên cao là bài toán tối ưu cho TPHCM trong vấn đề giải quyết bài toán giao thông. Thế nhưng, do để thời gian quá dài nên dự án rất khó thực hiện vì số tiền giải phóng mặt bằng quá cao. Hầu hết nhà đầu tư đều muốn đổi cơ sở hạ tầng lấy đất, trong khi quỹ đất của TPHCM không còn nhiều. Từ đó, để các nhà đầu tư bỏ một khoản vốn lớn vào thực hiện dự án công cộng như đường trên cao là rất khó. Nếu ngân sách TPHCM lo đền bù giải tỏa, nhà đầu tư bỏ vốn phần xây dựng đường trên cao, khi đó các dự án xây dựng đường trên cao mới khả thi và không còn bị ì ạch kéo dài như những năm qua. Minh Quân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn