MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên cây cầu này bất chấp nguy hiểm rình rập. Ảnh: Văn Đức.

50 năm khát một cây cầu

Đức An LDO | 24/08/2021 19:42

Hàng trăm hộ dân tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái gần 50 năm đánh đu trên cây cầu tạm qua suối.

Thông tin đến PV, người dân thôn Quăn 4, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn cho biết, gần 50 năm nay họ phải đi lại trên cây "cầu tạm" bắc qua suối Nậm để cho con em đi học, đi làm thuê.

Chiều 23.8, theo ghi nhận của PV, cây cầu được lắp ráp từ hàng nghìn thanh nứa dân tự đan thành phên, được đặt trên các khúc gỗ rồi buộc lại thành cầu.

Cầu có chiều dài hơn 20m, chiều ngang 1m2. 3 cột trụ là những viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau, bao quanh là phên nứa do người dân nơi đây tự đan, chắp vá hết sức lỏng lẻo.

Hơn 50 năm, nhiều thế hệ đã đi lại trên cây cầu này.

Mỗi lần có người đi qua là mỗi lần cây cầu run lên bần bật, kêu cọt kẹt, tưởng chừng có thể gãy sập bất cứ lúc nào.

Không ít phương tiện khi đi đến giữa cầu thì chết máy, loạng choạng, rất vất vả mới có thể qua được cây cầu này.

Trao đổi với PV, ông Sò Chinh, thôn Quăn 4, xã Bình Thuận cho biết: "Mỗi năm thôn lại hô hào nhau đi làm cầu, sửa cầu để đi lại qua suối”.

Theo ông Chinh, việc này cứ lặp đi lặp lại đã mấy chục năm nay, dân rất mong ngóng chính quyền đầu tư cho 1 cây cầu nhỏ để đi lại đỡ vất vả. Mỗi lần mùa mưa tới, người dân trong thôn bị cô lập, đi không được, ở cũng không xong.

Cầu được làm từ những tấm phên nứa đan lại với nhau, ghép vào những khúc gỗ thành cầu, cứ 1 vài tháng dân lại hô nhau sửa chữa, thay thanh gỗ vì nhanh mục, gẫy.

Đã có nhiều người đi qua cầu bị ngã xuống suối gãy chân, gãy tay, nhưng bất chấp nguy hiểm, họ vẫn ngày ngày đi qua cây cầu này.

Cùng tâm trạng với ông Chinh, bà Lò Thị Xuân (sinh năm 1963, ở thôn Quăn 4) kể lể: “Tôi tắm trên dòng suối này từ khi còn bé, đến giờ đầu đã 2 thứ tóc, mong muốn lớn nhất là được 1 lần đi trên cây cầu tử tế cho thỏa tâm nguyện”.

Theo bà Xuân, mỗi năm người dân phải làm đi làm lại cầu ít nhất 5 lần. Có lần vừa làm xong đã bị lũ cuốn trôi, mọi người lại hô hào nhau đi làm.

Việc đi qua chiếc cầu này không dành cho những người yếu tim.

Đáng nói, khi mùa lũ đến, cầu bị trôi, học sinh đi học rất vất vả, người dân trong thôn phải làm bè, bơi qua suối đưa các cháu đến trường.

Ông Hoàng Đắc Kền – Trưởng thôn Quăn 4, xã Bình Thuận chia sẻ, trong thôn có 50 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, chủ yếu người dân tộc Tày. Cả thôn đã 50 năm nay phải đi lại trên cây cầu này.

Ngoài người dân thôn Quăn 4, các thôn khác dọc theo bờ suối Nậm cũng thường xuyên đi qua cây cầu này để sang trung tâm xã để đi làm.

Dù là tạm bợ và nguy hiểm, chiếc cầu vẫn là phải hằng ngày oằn mình chịu sức nặng của người và xa. Còn người dân thì vẫn phải đánh đu với tử thần vì đây là con đường thuận lợi cho người lớn đi làm, trẻ con đi học.

Cây cầu dài 20m, rộng 1m2 nhưng không rào chắn, cứ mưa lũ là lại bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Cao Cường (Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn) cho hay, Bình Thuận là xã có dòng suối Nậm chảy từ Nghĩa Tâm xuống, chia cắt các thôn: Quăn, Quăn 4, Rịa 1, Rịa 2, Buông… Tại các vị trí chia cắt như vậy sẽ có các cầu tạm, cầu treo.

Tại thôn Quăn 4 có chiếc cầu tạm, tuy nhiên tại đây chỉ có 50 hộ dân sinh sống nên không đảm bảo điều kiện để xây dựng 1 cây cầu kiên cố (không đủ lượng người và phương tiện đi lại).

Được biết, xã cũng đã nhiều lần đề xuất các cấp mong nhận được phương án xử lý, tháo gỡ những vướng mắc của bà con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn