MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn người dân TPHCM vất vả lội nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cơn mưa chiều 3.6. Ảnh: Minh Quân

500 tỉ nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh: Đường hết ngập nhưng dân lo nhà ngập

MINH QUÂN LDO | 09/06/2020 06:30

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được nâng cấp, sửa chữa để chống ngập với tổng kinh phí 472,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân khu vực này lo lắng khi làm xong đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập, nhưng nhà họ có thể ngập do thấp hơn đường.

Mùa mưa đã bắt đầu, những trận mưa đầu mùa lại nhấn chìm đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) trong biển nước. Nhiều đoạn nước ngập nửa bánh xe khiến người dân đi lại khó khăn.

Để xử lý dứt điểm tình trạng ngập, TPHCM đã chi 472,9 tỉ đồng tiền ngân sách để nâng cấp tuyến đường này. Dự án được triển khai từ tháng 10.2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020 nhưng bị chậm tiến độ nên chủ đầu tư lùi thời gian hoàn thành vào tháng 4.2021.

Mưa gây ngập nặng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) chiều 3.6. Ảnh: Minh Quân

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án), khẳng định khi cải tạo, nâng cấp xong thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập. Bởi với 2 cửa xả ra kênh Văn Thánh (không bị tác động bởi triều cường), sẽ thoát nước tốt.

Tuy nhiên, hệ quả khi cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ làm nhà dân thấp hơn mặt đường. Theo đó, dự án sẽ nâng mặt đường lên từ 0,3m đến 0,5m. Riêng đoạn trước khu vực tòa nhà The Manor đến chân cầu Sài Gòn có nơi phải nâng lên đến 1,2m.

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, sau khi dự án hoàn thành sẽ có 63 hộ dân có nhà thấp hơn đường 15cm, 68 hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường từ 30-50cm.

Một con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện tại đã thấp hơn mặt đường. Ảnh: Minh Quân

Người dân sống hai bên đường Nguyễn Hữu Cảnh lo lắng, khi dự án hoàn thành, đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập nhưng nhà của họ sẽ có nguy cơ biến thành hầm chứa nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về việc đường sẽ cao hơn nhà, anh Nguyễn Văn Dũng sống tại con hẻm bên hông toà nhà The Manor (phường 22, quận Bình Thạnh) – nơi mà người dân gọi là “con hẻm ngập”, cho biết chỗ này mưa một chút là nước ngập ngay, nếu không chủ động thì đồ đạc trong nhà sẽ bị ngấm nước, hư hỏng.

Khi được hỏi nếu đường nâng lên cao hơn 1,2m anh sẽ xử lý như thế nào, anh Dũng cho biết chưa có phương án gì để xử lý. "Đường ngang nhà mà mưa đã ngập, giờ đường cao hơn nước tràn vào nhà như bể bơi thì chắc chết. Không thể đường ngập thì nâng lên để nước chảy vào nhà dân được, đó là cách xử lý không hiệu quả" - anh Dũng nói.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, trước khi thực hiện dự án, phía chủ đầu tư đã phối hợp với UBND Bình Thạnh tổ chức lấy ý kiến người dân. “Người dân cũng đã chấp thuận việc nâng cao độ mặt đường ở những đoạn bị lún và ngập nước. Đối với những nơi nhà thấp hơn đường, phương án khắc phục là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân đi lại dễ dàng” – ông Ninh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn