MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

55 giờ nghẹt thở giải cứu thuyền viên tàu Vietship 01

HƯNG THƠ LDO | 12/10/2020 06:23

4 ngày đói lả, 24/24h chống chịu lại từng đợt sóng biển gầm thét, những thuyền viên gặp nạn trên tàu Vietship 01 tưởng sẽ không qua khỏi. Ánh mắt họ cứ hướng về phía đất liền, nước mắt ứa ra mỗi khi thấy các phương tiện cứu hộ tìm cách tiếp cận nhưng không thành công. Nhưng thấy những nỗ lực đó, các thuyền viên động viên nhau cố gắng cầm hơi. Sau nhiều nỗ lực, sáng 11.10, tất cả các thành viên gặp nạn trên tàu được không quân và đặc công nước đưa vào bờ trong tiếng vỗ tay của cả nghìn người đứng dọc bờ biển để ngóng tin vui.

Sống lại lần 2

Được húp tô cháo nóng, ủ ấm bằng nhiều lớp chăn và sự chăm sóc của y bác sĩ Khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) sau 4 ngày mắc kẹt trên tàu Vietship 01, anh Đặng Văn Nghị (SN 1987, trú ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Anh kể rằng, 3h ngày 8.10, khi tàu Vietship 01 gặp sự cố, thì anh em ở lại trên tàu để khắc phục, nhưng không ngờ gặp xoáy mạnh, nên tàu trôi đến, mắc cạn ở mỏm đá. Trên tàu có lương thực, nhưng nước lên quá nhanh, nên không ai kịp dự trữ thứ gì, chỉ mỗi manh áo trên người. “Ban đầu, anh em cứ nghĩ đơn giản, sẽ nhanh vào được bờ thôi, nên tinh thần không mấy hoảng loạn” - anh Nghị, kể.

Thế nhưng, sóng ngày càng lớn, tàu chìm dần, chỉ còn nhô lên phần mũi tàu và ống khói ở đuôi tàu. 12 thuyền viên chui vào ống khói, ôm nhau bám trụ trong đó.

Dù ống khói cao, nhưng rất nguy hiểm, phía dưới nước ngập, phía trên nước cũng vào theo từng đợt sóng. Mỗi khi sóng đánh vào sẽ nhấc cuộn lên, những người ngồi bên trong không bám vào nhau sẽ bị hất ra ngoài. Trong số các thuyền viên bị mắc kẹt, có 2 người bị thương, cần được cấp cứu, nhiều người lại không biết bơi, nên khi thời tiết thuận lợi, 4 người khỏe mạnh nhất ở trên tàu chia làm 2 đợt, quyết định sẽ bơi được vào bờ để thông báo về những nguy hiểm mà những người trên tàu đang gặp phải và họ đã vào bờ thành công.

Tuy nhiên, thời tiết ngày càng xấu đi, các phương tiện cứu hộ tìm cách tiếp cận tàu đều vô vọng. Vào ban ngày, những người trên tàu gặp nạn thay phiên nhau trèo lên phía trên ống khói, nhìn vào phía đất liền để theo dõi tình hình cứu hộ. Sáng 10.10, khi thấy chiếc tàu cá cùng 4 ngư dân mặc áo phao di chuyển đến gần, ai nấy trên tàu đều rớt nước mắt vì mừng, nghĩ sẽ được cứu. Nhưng, chiếc tàu cá bị sóng biển nhấn chìm, 1 ngư dân bơi vào bờ, 3 ngư dân thì bơi được vào tàu mắc cạn, nhưng ở tít phía mũi tàu. “Lúc đó, anh em hoang mang lắm, nhưng chỉ biết động viên nhau” - anh Nghị, kể.

Đến chiều, 1 chiếc tàu cá lại ra cửa biển và tiếp cận được tàu, nhưng chỉ 2 ngư dân được cứu. Lúc này, trên tàu gặp nạn còn tổng cộng 9 người. Đến gần tối hôm đó, anh Chiến (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh) ở cùng với nhóm anh Nghị kêu khó thở, đau trong người và muốn di chuyển về phía mũi tàu. Nhưng sức khỏe yếu, không bơi qua được con sóng dữ để đến mũi, nên anh Chiến bị cuốn trôi ra xa và hiện đã phát hiện được thi thể.

Lúc đó, hy vọng được trở vào đất liền của anh Nghị tan vỡ. Đói, rét, bất lực, anh thiếp đi, mê man trong đêm. Sáng hôm sau, kiểm tra mới biết, trong phao cứu sinh mà trực thăng lúc tối thả xuống có đường, sữa. Mọi người vui không nói nên lời. Họ chia cho nhau ăn uống để lấy sức và tiếp tục hy vọng. Họ leo lên ống khói, nhìn về phía đất liền, dù mưa gió, nhưng các lực lượng cứu hộ, người dân đứng rất đông. “Thấy vậy là ấm lòng lên chút. Cho đến khi trực thăng xuất hiện trở lại, chúng tôi để 2 người bị thương lên trước. Hơn 9h sáng 11.10, rồi cũng đến lượt tôi và mọi người rời tàu, rời những đợt sóng, theo trực thăng về đất liền” - anh Nghị ứa nước mắt.

Những ngư dân dũng cảm

Trước đó, vào sáng 10.10, khi nghe điện thoại của một người thân thông báo việc cần người ra ứng cứu những thuyền viên gặp nạn ở trên biển, anh Trần Xuân Cường (SN 1993, trú tại Tân Xuân, Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) ăn vội ổ bánh mỳ rồi chạy đến bờ biển. Biết việc sóng lớn, tàu gặp nạn ở vị trí hiểm, nhưng anh Cường lập tức mặc áo phao, nhảy lên thuyền cùng 3 ngư dân khác ra biển. Lúc đó Cường chỉ nghĩ là, ra càng sớm càng tốt để cứu họ. Khi mới rời được bờ, Cường đã choáng váng vì sóng lớn. Mọi người hét lên là quyết tâm, nên cứ bám chắc tàu và hướng mũi về phía bãi cạn. Nhưng khi đến gần tàu, thấy người bị nạn rồi, thì tàu bị lật. Cường may mắn bơi được vào mũi tàu gặp nạn và bám ở lan can. Mưa và sóng biển cứ táp vào người, mỗi lúc khát, Cường ngậm áo trên người rồi mút lấy nước. Tay thì bám chặt vào thành sắt, nếu buông sẽ bị sóng cuốn trôi. Sau đó, sáng 11.10, vào giờ nước lặng đôi chút, Cường cùng 1 thuyền viên bám phao cứu sinh nhảy bơi vào bờ. Cường kèm thuyền viên, nhưng sóng chia đôi 2 người ra 2 hướng. Khi vào gần sát bờ, Cường được các lực lượng bơi ra dìu vào. “Khi bị kẹt trên tàu gặp nạn. Em không hối hận về quyết định theo tàu cá ra cứu hộ, mà chỉ thương gia đình. Nhưng may mắn là bơi vào được” - Cường, chia sẻ.

Sau khi tàu của Cường bị đắm, chiều hôm đó sóng to hơn, gió lớn hơn. Một chiếc tàu cá khác lại được đưa đến bờ biển để ra ứng cứu và cần có 2 ngư dân lão luyện điều khiển tàu để lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ. Biết việc lên tàu cá ra biển vào giờ thủy triều mạnh là rất nguy hiểm, nhưng ông Võ Văn Dũng (SN 1974, trú tại khu phố 6, thị trấn Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) không do dự. Ông cùng một ngư dân tên Minh bước lên tàu trong tiếng vỗ tay của người dân, rồi vật lộn với từng đợt sóng để tiếp cận tàu gặp nạn, và cứu được 2 người đưa vào.

Do tàu gặp nạn ở vị trí hiểm trở, nên các phương tiện cứu hộ khó tiếp cận được. Vì vậy, cơ quan chức năng mới nhờ tàu cá và ngư dân thông thạo luồng lạch để ứng cứu, nhưng vẫn rất khó khăn. Việc giải cứu các thuyền viên gặp nạn thuận lợi chỉ khi có sự tham gia của trực thăng cứu hộ và đặc công nước. Phía trên cao, chiếc trực thăng dần tiếp cận chiếc tàu, rồi thả người kèm dây xuống để đưa từng người lên. Còn phía dưới biển, các đặc công nhiều lúc mất hút vì đợt sống cao, cuối cùng cũng dìu được thuyền viên đang chới với vào bờ.

Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu 4 nói rằng, các lực lượng tham gia cứu hộ các thuyền viên gặp nạn trên tàu Vietship 01 là trách nhiệm, còn những người tự nguyện tham gia cứu hộ là “những ngư dân dũng cảm”. Còn thiếu tướng Trần Văn Sơn - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn - đề nghị, đối với việc cứu nạn các thành viên trên tàu Vietship 01, cần rút kinh nghiệm. Về phía Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, sẽ tham mưu Chính phủ để rút kinh nghiệm. Để công tác cứu hộ sẽ tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn