MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 chai bia, 2 mạng người: Thực hư uống bia ít có hại hơn uống rượu

Thảo Anh LDO | 04/05/2019 11:30
Các chuyên gia y tế nhận định quan niệm uống bia ít có hại hơn uống rượu hoàn toàn sai lầm. Đặc biệt, không có ngưỡng uống bia rượu nào gọi là an toàn.

Chỉ trong vòng 20 ngày, ba vụ tai nạn giao thông do ôtô con đâm phải người đi đường có mẫu số chung là tài xế lái xe sau khi đã uống rượu bia. 

Trong đó, mới nhất là vụ tai nạn do "ma men" gây ra tại hầm Kim Liên (Hà Nội). Vụ tai nạn đã tước đoạt mạng sống của hai người phụ nữ, khiến dư luận xót xa.

Những vụ tai nạn do “ma men” liên tiếp xảy ra.

Đây là một sự thật chua chát bởi kinh nghiệm 13 năm cầm lái của tài xế đã hoàn toàn vô nghĩa trước 6 chai bia.

Uống bia ít có hại hơn uống rượu?

Thế nhưng, dân nhậu lại luôn đưa ra lý lẽ "uống bia cho mát", "rượu mới, hại bia là nước", "rượu độc, bia uống còn có lợi", "uống bia giải khát nhanh no chứ còn khuya mới say".

Thực hư những luận lý này của dân nhậu ra sao? Những chuyên gia y tế đã có những lý giải khiến không ít người giật mình.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh việc nhiều người cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khoẻ hơn so với uống rượu là hoàn toàn sai lầm.

Bởi, tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Vì vậy, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống là bia hay rượu mà phụ thuộc vào lượng đồ uống tiêu thụ chưa bao nhiêu gam cồn và cách thức uống, tần suất sử dụng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), uống nhiều hơn 4 đơn vị cồn/ngày là cách thức sử dụng có nguy cơ cao gây hại sức khoẻ và gây hậu quả xã hội.

Mặc dù, có thể chưa chịu các tác hại trực tiếp về sức khoẻ nhưng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, nguy cơ chấn thương, bạo lực hay các hành vi liên quan đến pháp luật, giảm khả năng làm việc các vấn đề xã hội do nhiễm độc rượu bia gây ra.

Đơn vị cồn là đơn vị đo số gam cồn nguyên chất có trong rượu bia sau khi quy đổi. 1 đơn vị cồn tương đương với 1 chai/lon bia 330ml, 1 ly rượu vang 100ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml.

Như vậy, trường hợp tài xế Hiếu gây tai nạn ở hầm Kim Liên đã sử dụng 6 chai bia tương đương 6 đơn vị cồn và tiếp tục uống thêm rượu, vượt quá ngưỡng khuyến cáo.

Không có ngưỡng uống an toàn

 

Theo các chuyên gia y tế, không có mức độ uống bia rượu nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra nguy cơ và hậu quả sức khoẻ nhất định.

Tuy nhiên, nguy cơ với sức khoẻ tăng một cách rõ rệt nếu một người uống quá hai đơn vị cồn trở lên trong một ngày và nhiều hơn 5 ngày trong 1 tuần.

Lý giải về việc sử dụng rượu bia làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, BS Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Quỹ Nhịp cầu sức khoẻ tại Việt Nam phân tích rượu bia làm giảm khả năng phản ứng của cơ thể, hạn chế khả năng phối hợp động tác, gỉam thị lực, hạn chế tầm nhìn, gây buồn ngủ.

Nghiên cứu cho thấy người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu bia.

Rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông tại Việt nam ở nam giới độ tuổi 15 - 49.

Theo báo cáo của WHO (2014), tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% tổng số các trường hợp tai nạn giao thông ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Phân tích số liệu điều tra quốc gia về 1.061 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có nguyên nhân là sử dụng chất có cồn.

Đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn