MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

6 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế

PHÚC ĐẠT LDO | 16/11/2021 16:13

THỪA THIÊN HUẾ - Các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 6 cơ chế, chính sách và được phân theo 3 nhóm.

6 cơ chế, chính sách được phân theo 3 nhóm

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 6 cơ chế, chính sách và được phân theo 3 nhóm:

Nhóm thứ nhất: Về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản gồm 2 cơ chế nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới.

Nhóm thứ 2: Nhóm quản lý tài chính ngân sách gồm 3 cơ chế. Đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản; vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa Thiên Huế sẽ được tăng mức dư nợ vay không vượt quá 40%. Và được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Nhóm thứ 3: Về sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất, gồm 1 cơ chế.

Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Một góc đô thị Huế. Ảnh: P. Đạt.

Thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế

Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỹ Bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Quỹ Bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ. Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế.

Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Quốc hội giao Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 và thực hiện trong 5 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn