MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Kè Suối Nặm La được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023. Ảnh: MN.

6 tháng đầu năm, Sơn La chỉ giải ngân được hơn 990 tỉ đồng

Minh Nguyễn LDO | 18/06/2023 11:22

Năm 2023, tỉnh Sơn La có tổng số vốn đầu tư hơn 6.100 tỉ đồng, tuy nhiên trong gần 6 tháng đầu năm, mới chỉ giải ngân được 16,06% do gặp phải nhiều vướng mắc.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao với tổng 6.171,9 tỉ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn kéo dài từ năm trước là hơn 713 tỉ đồng. Đến hiện tại, UBND tỉnh Sơn La mới phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án số tiền là 5.101,5 tỉ đồng, đạt 82,7%.

Theo thống kê, đến ngày 15.6, tổng số vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước trong toàn tỉnh Sơn La đã giải ngân mới chỉ là 991,2 tỉ đồng, bằng 16,06% kế hoạch. Trong đó, vốn các năm trước kéo dài sang năm 2023 đã giải ngân 123,090 tỉ đồng; vốn giao năm 2023 vốn giải ngân là 868,1 tỉ đồng.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La cho biết, các dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 có 2 dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể: Dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư BVĐK tỉnh Sơn La (vướng mắc về mặt bằng 4.663m2); Dự án Kè Suối Nặm La (diện tích vướng mắc mặt bằng đối với 10 doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình).

Đối với các dự án chuyển tiếp kế hoạch năm 2023, các chủ đầu tư dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguyên vật liệu, công tác tái định cư và việc điều chỉnh dự án.

Còn nhóm các dự án khởi công mới năm 2023, các vướng mắc tập trung liên quan đến dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cụ thể:

Các dự án đường giao thông đến các xã, bản đặc biệt khó khăn; việc thiết kế phải tuân thủ các quy trình, quy phạm và đánh giá tác động môi trường mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Riêng dự án Đường từ bản Mường Pia (xã Chiềng Hoa) đến bản Nặm Hồng (xã Chiềng Công) thuộc huyện Mường La còn vướng mắc trong công tác thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất do dự án đi qua địa phận đất của 3 nhà máy thủy điện.

Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng của các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp và Thuận Châu ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Nhiều gói thầu đã thi công hoàn thành các hạng mục nền, chuyển sang hạng mục chuẩn bị đổ bê tông xi măng mặt đường nhưng nguồn vật liệu đá, cát chủ yếu phải lấy từ Điện Biên, Lai Châu và từ thành phố Sơn La vào công trình, nên việc thi công cầm chừng do giá cước tăng cao.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách, quy hoạch cần có thời gian để rà soát, sửa đổi, bổ sung thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cụ thể: Một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; việc chuẩn bị đầu tư chưa được rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng; Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị còn hạn chế, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đơn vị đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung thực hiện theo kế hoạch đến 30.6.2023 phải giải ngân trên 2.256 tỉ đồng như đã cam kết.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao vai trò của người đứng đầu các địa phương; các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý và chủ động đề xuất các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn