MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoảng cách từ sân bay Sa Pa đang được xây dựng tới vị trí tỉnh Lai Châu đề xuất xây sân bay chỉ cách nhau chưa đầy 70km.

6 tỉnh miền núi Tây Bắc đề xuất xây 4 sân bay: Đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, không phát triển ồ ạt

An Trịnh LDO | 19/10/2022 06:00
Trong bối cảnh một số tỉnh miền núi xin xây mới sân bay khiến dư luận quan tâm mức độ khả thi, hiệu quả thực tế của những dự án nghìn tỉ này. Đặc biệt, nếu hoàn thiện, có những sân bay chỉ cách nhau vài chục kilômét.

Loạt tỉnh nghèo “xin” làm sân bay

Theo đó, các tỉnh khu vực miền núi đang xin chủ trương đầu tư xây dựng sân bay bao gồm: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, chỉ tính riêng khu vực Tây Bắc (gồm 6 tỉnh), sẽ có tới 4 sân bay.

Cụ thể, tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỉ đồng.

Địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Dự kiến, nhu cầu sử dụng đất của sân bay 371ha, trong đó giai đoạn 1 là 295,2ha; giai đoạn 2 là 75,8ha.

Giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021): Sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028): Hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm.

Tại tỉnh Sơn La, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 136 ngày 2.8.2022 về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công tư.

Tiếp đó chỉ một tháng sau, tỉnh này tiếp tục “xin” chủ trương xây dựng sân bay Mộc Châu với số vốn 6.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ trương xây sân bay Mộc Châu đã không được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch.

Cũng trong tháng 8.2022, UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách/năm và diện tích sử dụng đất là 167ha. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên.

Sân bay Lai Châu đã được xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không năm 2018. Cụ thể, đến năm 2030, Lai Châu là sân bay dân dụng cấp 3C và quân sự cấp III; công suất 0,5 triệu hành khách mỗi năm; diện tích đất 167ha, tại thị trấn Tân Uyên.

Ngoài ra, vào ngày 22.1.2022, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên chính thức được khởi công.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.467,7 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với quy mô xây dựng đáp ứng khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương, tổng diện tích đất xây dựng dự án là 219ha.

Giá trị thực hay theo phong trào?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, sân bay nhỏ, về cơ bản nếu được đầu tư sẽ mang lại cơ hội tiếp cận, mở đường cho sự phát triển của các địa phương. Trong đó, kết nối hàng không tạo điều kiện để khai phá tiềm năng phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, phát triển như thế nào để đảm bảo hiệu quả tổng hợp, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm rõ, trong đó hiệu quả đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành sẽ quyết định việc đầu tư. Không ít chuyên gia cho rằng, việc mở rộng đầu tư xây dựng sân bay tại các địa phương nên được đánh giá kỹ lưỡng và thận trọng, không ồ ạt theo kiểu “mỗi tỉnh một sân bay”.

Ngoài ra, tại các địa phương kể trên, một số nơi nếu được chấp thuận đầu tư, sân bay của 2 tỉnh chỉ cách nhau (theo dữ liệu của Google Maps) xấp xỉ 62km (sân bay Sa Pa - sân bay Lai Châu), sân bay Tân Quang (Hà Giang) - sân bay Tân Quang (Tuyên Quang) cách nhau 48,6km. Việc các sân bay đặt quá gần nhau khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả kinh tế của chúng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - ông Phan Đức Hiếu quả quyết, khi quyết định phát triển một dự án hàng không thì các địa phương nên tham vấn từ sớm các chuyên gia về hàng không và nhà đầu tư xây dựng cụm cảng hàng không.

Ngoài ra, ngày 29.9.2022 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã ký Công văn số 2980/UBND-KTTH gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị bổ sung sân bay Tân Quang (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) vào quy hoạch. Từ năm 2019 đến nay, đây đã lần thứ 3 tỉnh này đề xuất xây sân bay. Cũng trong tháng 9.2022, UBND tỉnh Tuyên Quang có văn bản kiến nghị xây dựng Cảng hàng không Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang với quy mô đề xuất là khoảng 350ha, trong đó quy mô cảng hàng không, sân bay cấp 4C diện tích khoảng 280ha và sân bay quân sự cấp II diện tích khoảng 70ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn