MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm bạn trẻ thuê xe đạp cộng cộng tại trạm trên đường Công xã Paris (quận 1). Ảnh: Minh Quân

60.000 lượt thuê xe đạp công cộng sau 1 tháng thí điểm ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 16/01/2022 14:17
TPHCM - Sau 1 tháng thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, đã có 60.000 lượt thuê xe sử dụng, không xảy ra tình trạng mất cắp, phá hoại phương tiện.

Ngày 16.1, ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư) - cho biết, thống kê sau 1 tháng thí điểm, có khoảng 60.000 lượt người thuê xe đạp công cộng.

"Lúc cao điểm có hơn 1.400 tài khoản cùng online với 370/390 xe được thuê. 63% khách sử dụng dịch vụ từ 22 đến 40 tuổi, kế đến là nhóm 18 đến 22 tuổi" - ông Dân cho hay.

Trong thời gian thí điểm, không xảy ra tình trạng mất cắp hay phá hoại phương tiện. "Một số khách quên khoá xe lúc trả nên người khác không biết đã tự ý lấy đi mà không đăng ký thuê xe. Sau đó, nhân viên thu hồi thông qua định vị GPS" - ông Dân nói.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Trí Nam, dịch vụ xe đạp đang được người dân quan tâm nên ngoài quận 1, đơn vị dự tính đề xuất UBND TPHCM mở dịch ở một số khu vực khác như quận 3, 5, 10...

Giới trẻ TPHCM thích thú trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Trước đó, ngày 16.12.2021, 43 trạm với 390 xe đạp công cộng được TPHCM đưa vào hoạt động với giá cho thuê 5.000 đồng trong 30 phút, 10.000 đồng một giờ. 

Xe đạp sử dụng loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G, bluetooth trên di động.

Người dùng cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại. Có thể nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán Momo, ZaloPay, VTCPay.

Để sử dụng, người dùng bấm vào nút mở khóa trên ứng dụng và quét mã QR gắn trên xe để mở khóa và bắt đầu chuyến đi.

Trong quá trình di chuyển, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu đi café, mua sắm. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Lâm đánh giá, mô hình xe đạp cộng cộng tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố.

Qua đó, tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (metro, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thuỷ...).

Theo ông Trần Quang Lâm, sau một năm thí điểm sẽ đánh giá, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này ở quận 1, 3 và các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn