MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Na Sơn - Tuý Loan. Ảnh: Huy Hùng

8 dự án cao tốc Bắc-Nam được đề nghị chuyển đổi sang đầu tư công: Sẽ tiết kiệm 19.000 tỉ đồng

ĐẶNG TIẾN LDO | 19/05/2020 12:00

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình gửi Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, sẽ chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước.

Sẽ tiết kiệm trên 19.000 tỉ đồng

Theo tính toán của Bộ GTVT, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Nếu toàn bộ 8 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam được chuyển từ kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công sẽ giảm từ 118.716 tỉ đồng theo phương án đầu tư BOT xuống còn khoảng 99.493 tỉ đồng nếu đầu tư công, tức tương ứng giảm khoảng 19.223 tỉ đồng. Như vậy, việc chuyển sang đầu tư công sẽ tiết kiệm được phần chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng (so với đầu tư BOT), giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đến nay, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đạt trên 70%.

Theo tờ trình, nếu được chuyển đổi sang đầu tư công, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai thực hiện ngay trong năm 2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, với những khó khăn về khả năng huy động vốn tín dụng, cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu. Trường hợp thuận lợi, đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội.

Tiếp đến, nếu nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, việc sớm triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án cao tốc sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế xã hội, tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, các địa phương liên quan và vùng kinh tế. Đồng thời, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công còn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước sẽ trực tiếp thi công xây dựng dự án... góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Do đó, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công còn bảo đảm sự chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỉ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020). Theo đó, tổng mức đầu tư dự án sẽ giảm được khoảng 19.223 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết 52 (118.716 tỉ đồng.

Ổn định hơn đấu thầu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia tạo sự lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư thuộc Quốc hội, chính vì vậy đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT cần phải hoàn thiện hồ sơ và giải trình các ý kiến của đại biểu để đảm bảo tính thuyết phục.

Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ nghiên cứu phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước; mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Cty BOT 36.71 (Tổng Cty 36 BQP), việc đấu thầu theo hình thức PPP sẽ có nhiều thành phần trong và ngoài nước tham gia (trong đó có cả nhà thầu tốt và không tốt cùng tham gia) nếu chúng ta không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng công trình dự án. Hiện các ngân hàng đã đầu tư quá nhiều vào các dự án BOT giao thông và hiện cũng đã hết nguồn để đầu tư BOT. Trong khi đó, với cơ chế chính sách hiện nay, các nhà đầu tư hiện cũng không mặn mà với BOT. Do đó, việc chuyển đổi 8 đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư BOT sang đầu tư công sẽ ổn định hơn việc đấu thầu.

Được biết, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư lớn, nên nguồn vốn vay ngân hàng có thể vượt giới hạn cấp tín dụng, trong khi hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng. Nên khó có thêm ngân hàng nào có thể cho vay thêm các dự án BOT cao tốc. Do đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng ủng hộ phương án chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công các đoạn cao tốc, để phù hợp với thực tế và khả thi.

Đại diện Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì hiện, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỉ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.

Nghiêm trọng hơn, 43/116 dự án BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỉ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỉ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỉ đồng.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất chuyển đổi 8 đoạn dự án cao tốc Bắc-Nam từ đầu tư BOT sang đầu tư công tại kỳ họp cuối tháng 5 này. Cùng với hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xin chuyển đổi từ đầu tư BOT sang đầu tư công 8 đoạn cao tốc Bắc-Nam, Bộ GTVT vẫn tiến hành các bước lựa chọn nhà đầu tư theo phương án kêu gọi đầu tư BOT đã được phê duyệt trước đó. Cùng với đó, các công tác để chuẩn bị cho bước đầu tư công nếu được phép chuyển đổi cũng được song song chuẩn bị, để có thể khởi công khi được chấp thuận. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn