MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (quận 2, TPHCM) đã triển khai 8 làn thu phí không dừng (ETC). Ảnh: Minh Quân

8 trạm chưa triển khai thu phí không dừng (ETC): Lại xin cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ!

Tiến Quân Chiến LDO | 30/12/2020 11:30

Gần như chắc chắn 8 trạm thu phí giao thông BOT trên cả nước sẽ không thể triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng (ETC) vào hạn chót 31.12.2020. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang tiếp tục đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho các trạm này.

Không kịp triển khai

Tại TPHCM, đến nay đã có 2 trong tổng số 3 trạm thu phí đang hoạt động đã lắp đặt đầy đủ làn thu phí không dừng (ETC). Cụ thể, trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân) đã lắp đặt ETC toàn bộ 13 làn xe (8 làn ở trạm thu chính và 5 làn ở các trạm phụ). Còn trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên đường Võ Chí Công (quận 2) đã đưa vào hoạt động 8 làn ETC trên 2 chiều xe lưu thông.

Trong khi đó, ngày 29.12, ghi nhận thực tế tại trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) ở cả hai chiều chưa thấy triển khai bất kỳ làn thu phí không dừng nào. Các phương tiện đi qua trạm thu phí này (trừ ôtô dưới 9 chỗ không thu phí) vẫn phải dừng lại mua vé. Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh là để thực hiện công tác bảo trì không ảnh hưởng bởi Quyết định 19 của Thủ tướng nên chưa triển khai. Hiện mới thực hiện công tác thẩm định để phê duyệt hạng mục thu phí lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại trạm thu phí này.

Đối với hai trạm thu phí đã triển khai ETC, hiện nay số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ này chiếm tỉ lệ chưa cao. Tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ, ông Nguyễn Dũng Minh - phụ trách trạm - cho biết hiện tại trạm có 8 làn ETC (4 làn mỗi bên), đủ số lượng theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện tại trạm chỉ mở hoạt động ETC 6 làn (3 làn mỗi hướng lưu thông). Còn 2 làn ETC là để hoạt động theo chức năng thu phí một dừng theo dạng dự phòng. Tỉ lệ xe sử dụng làn ETC khoảng 28% trên tổng lượt xe qua trạm, còn lại 72% xe sử dụng làn thu phí một dừng. Hiện số lượt xe qua làn ETC tại trạm mỗi ngày dao động 6.500 - 8.000 lượt. Tính theo tỉ lệ phát triển lượt xe ETC qua làn từ đầu năm 2020 đến nay tăng khoảng 3%.

Thừa nhận số người sử dụng ETC còn quá ít, ông Nguyễn Dũng Minh cho rằng lý do chính các trạm BOT chưa thể triển khai đồng bộ hoạt động làn ETC vì trạm có trạm không. Đồng thời một số trạm vận hành ETC theo hình thức hỗn hợp trên cùng một làn. Như vậy, xe có ETC hợp lệ vẫn phải chờ xe trước mua vé khiến khách hàng mất thời gian và không tin tưởng hiệu quả ETC.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đơn vị quản lý trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (quận Bình Tân) cho biết, chỉ có 5,4% số xe qua trạm thu phí này dùng thẻ ETAG. Số lượng xe dán ETAG tăng lên quá ít, từ 5,6% trong tháng 8.2020 lên khoảng 8% trong tháng 12.2020. Dù tất cả các làn xe qua trạm chính và trạm phụ đều đã lắp đặt ETC, đơn vị không thể tổ chức riêng làn thu ETC, vì tổ chức làn dành riêng cho ETC thì có khi để trống, trong khi các làn khác vào trạm thu phí bị ùn tắc do lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1 quá đông. Do đó, rất nhiều chủ xe than phiền dù xe có dán ETAG cũng không được ưu tiên qua trạm thu phí An Sương - An Lạc, vẫn phải xếp hàng chung với xe mua vé.

Mới đây Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến việc bắt buộc ôtô phải thực hiện dán thẻ cũng như nộp tiền vào tài khoản trả trước để thanh toán dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng, cũng như để chế tài đối với các trường hợp vi phạm.

Xử lý phương tiện không dán thẻ đi sai làn

Hiện có 8 trạm không đủ điều kiện lắp đặt thu phí tự động không dừng (thuộc giai đoạn 2 - BOO2), gồm 2 trạm doanh thu quá thấp là Mỹ Lợi và Thái Hà; 3 trạm thu phí đang báo cáo Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách là trạm Quang Đức trên QL14, Thái Nguyên - Chợ Mới trên QL3, trạm T2 trên QL91 và 3 trạm khác trên QL51 thời gian thu phí còn dưới 3 năm nên việc lắp đặt sẽ không hiệu quả, Bộ GTVT đang báo cáo Thủ tướng không hoặc chưa thực hiện. Trao đổi với PV Báo Lao Động, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư (Bộ GTVT) - ông Lê Kim Thành cho biết, việc này đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ vì các trạm này làm không có hiệu quả. Hiện các nhà đầu tư không vay được vốn tín dụng dẫn đến không thể giải ngân. Theo ông Thành, tới đây nếu doanh thu đảm bảo và tăng lên thì sẽ triển khai. Một cái khó nữa của các trạm này là đặt trên tuyến nhánh, lưu lượng phương tiện qua rất ít và không ảnh hưởng đến toàn tuyến. Hiện Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đánh giá lại trên tinh thần tuân thủ hợp đồng để tính toán thời gian thu phí cho phù hợp nếu đủ điều kiện.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã họp và có những chỉ đạo giải quyết và hiện đang được tiếp tục thực hiện và đề nghị có những hỗ trợ. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Văn Huyện, sau gần 5 năm thực hiện, ngày 29.12.2020 chính thức đưa thu phí tự động không dừng vào hoạt động trên toàn quốc. Hiện có trên 90 trạm đã kết nối và thực hiện đã tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông, đảm bảo môi trường và chống ùn tắc. Đặc biệt là đảm bảo minh bạch trọng thu phí và tạo cơ sở cho việc thu phí các dự án BOT sau này của hệ thống hạ tầng giao thông. Sau đầu năm 2021 sẽ xử lý phương tiện không dán thẻ đi sai làn. Liên quan đến 4 trạm của hệ thống cao tốc chưa thể triển khai được thu phí không dừng, ông Huyện cho rằng khi có vốn của Chính phủ quyết chắc chắn chỉ khoảng 4 -5 tháng sẽ lắp đặt xong và đưa vào thực hiện theo yêu cầu chỉ đạo.

Ngày 29.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - ông Nguyễn Bôn, cũng thừa nhận việc chậm trễ đưa vào hoạt động trạm thu phí không dừng tại BOT tỉnh lộ 768 và cho biết hiện nay vẫn đang trong quá trình thẩm định, “chúng tôi sẽ cho rà soát lại”, ông Bôn cho biết. Theo tìm hiểu, việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên đường tỉnh lộ 768 hiện gặp vướng mắc chủ yếu đến từ công tác thẩm định thiết bị, công nghệ và nhà điều hành trạm thu phí.

Dự án BOT tỉnh lộ 768 nối TP.Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu dài khoảng 16km, do Công ty CP Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hình thức hợp đồng BOT). Cũng theo ông Bôn ngoài ra, tại Đồng Nai còn 2 trạm thu phí BOT chưa thực hiện thu phí không dừng, tuy nhiên 2 trạm này chưa đưa vào hoạt động thu phí nên chưa triển khai việc thu phí không dừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn