MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tra cứu thông tin qua dịch vụ công trực tuyến tại UBND quận Bình Tân Ảnh: M.Q

80% người dân và doanh nghiệp TPHCM hài lòng về thủ tục hành chính

M.Q LDO | 17/05/2018 18:39

Kết quả khảo sát năm 2016 - 2017, bình quân về tỉ lệ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC) đạt trên 80%.

Chiều 17.5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp nghe báo cáo sơ kết 2,5 năm thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Công Hùng, các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình CCHC giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả bước đầu trên 6 lĩnh vực và nâng dần sự tín nhiệm, hài lòng đối với công tác phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Cụ thể, kết quả khảo sát năm 2016 - 2017, bình quân về tỉ lệ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về TTHC đạt trên 80%.

Đến tháng 3.2018, tổng số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 716 dịch vụ tăng 31 dịch vụ so với năm 2017; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt tỷ lệ là 49%. Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng năm 2017 đạt 70,98%. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng năm 2017, đạt 37,31%.

Tuy nhiên, vẫn còn đơn vị chưa nhận thấy đầy đủ trách nhiệm phải thực hiện công tác CCHC theo ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách, từ đó thiếu sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện công tác CCHC tại đơn vị.

Đồng thời, số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông điện tử, hiện đại còn ít so với số lượng thủ tục hành chính đang thực hiện. Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong một số lĩnh vực còn chậm, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao.

Mặt khác, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp còn hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm, thái độ thờ ơ trong giải quyết công việc.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác CCHC của TP mặc dù có đầu tư nhưng vẫn còn đặt ra những vấn đề mà TP phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa. Do đó, phải xem lại trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC, sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò phản biện của mặt trận, đoàn thể.

Theo ông Phong, từ nay đến 2020, CCHC phải xác định rõ những việc cần tập trung và gắn với việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Nghị quyết của HĐND TP tại kỳ họp thứ bảy Khóa IX về “Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP”.

“Trong quá trình phát triển đô thị, TP đối mặt với 4 thách thức là dân số tăng nhanh dẫn đến bất cập hạ tầng; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị còn nhiều bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt. Chính vì vậy, CCHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn” – ông Phong nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn