MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ BHXH huyện Thường Tín, Hà Nội tới các hộ kinh doanh để tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện. Ảnh: Hương Giang

9 tháng đầu năm, Hà Nội trợ cấp thất nghiệp cho hơn 477.000 lượt người

Hà Anh LDO | 12/10/2023 15:55

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tập thể viên chức, người lao động bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, nâng cao trách nhiệm để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, tăng chỉ tiêu cần tăng và giảm chỉ tiêu cần giảm.

Hơn 2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc

BHXH Thành phố Hà Nội cho biết, đến hết tháng 9.2023, trên địa bàn thành phố có hơn 2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,81% kế hoạch; gần 7,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 98,14% kế hoạch và đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố là 93,29% dân số và 78.338 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 76,15% kế hoạch (5 đơn vị có số người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao nhất thành phố là các quận, huyện: Ba Đình, Thường Tín, Long Biên, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm).

Tổng số thu trên toàn thành phố là 43.468,7 tỉ đồng, đạt 72,15% kế hoạch BHXH Việt Nam giao và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 5 đơn vị có tỉ lệ thu cao nhất thành phố là các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Nam Từ Liêm. Đồng thời, BHXH Thành phố Hà Nội đã đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm, BHXH thành phố chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho 581.036 người thụ hưởng với 28.668 tỉ đồng; thực hiện giải quyết các chế độ ngắn hạn và trợ cấp thất nghiệp cho 477.046 lượt người.

Thời gian qua, BHXH thành phố cũng đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho 9,1 triệu lượt khám, chữa bệnh; chi phí khám chữa bệnh BHYT là 16.256 tỉ đồng. Tỉ lệ liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT đúng ngày của Hà Nội đạt 96,7%.

Đôn đốc thu, giảm nợ BHXH

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội - đánh giá, công tác phát triển người tham gia có tăng nhưng còn chậm, chưa đúng với tiềm năng, vì vậy, trong 3 tháng cuối năm, các đơn vị phải tập trung tối đa trong công tác phát triển, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.

Cùng với đó là tăng cường thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đảm bảo đúng thời gian, đúng quy trình, quy định, kịp thời giải quyết những vướng mắc và các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm tỉ lệ hồ sơ chậm muộn; đảm bảo giải quyết các chế độ BHXH đúng hạn, đúng quy định qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm thanh toán các chế độ ngắn hạn.

Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa hành vi gian lận, lạm dụng quỹ BHXH; đẩy mạnh việc thanh toán các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Thành phố và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; nhất là tập trung đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới mục tiêu là đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, các đơn vị trực thuộc BHXH thành phố phải chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; theo dõi tình hình sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại từng cơ sở khám, chữa bệnh...

Tính đến hết tháng 9.2023, toàn Thành phố Hà Nội có 83.243 đơn vị chậm đóng, số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.861,5 tỉ đồng. Trong đó, 5 đơn vị có tỉ lệ nợ cao nhất thành phố là các quận: Hoàng Mai (16,33%), Hà Đông (15,75%), Thanh Trì (14,63%), Thanh Xuân (13,98%), Bắc Từ Liêm (13,89%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn