MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vườn sâm dưới tán rừng già ở Kon Tum. Ảnh T.T

A Sĩ, “vua sâm” trên cao nguyên Tu Mơ Rông

THANH TUẤN LDO | 01/01/2022 06:57

Kon Tum - Vừa là Bí thư Đảng ủy xã, A Sĩ cũng vừa là người đi đầu trong phong trào trồng quốc bảo sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Cây thuốc huyền bí

Măng Ri là xã miền núi nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, không khí lạnh quanh năm. Măng Ri có 6 thôn với hơn 500 hộ, gần 1.900 nhân khẩu, 100% dân số người Xơ Đăng.

Ông A Sĩ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh T.T

Nhiều năm trước, người đồng bào Xơ Đăng vẫn quen dùng cây "thuốc giấu" trong rừng để chữa bệnh tật, tăng cường sức khỏe. Thực ra, cây "thuốc giấu" huyền bí, quý hiếm như chính tên gọi đó là sâm Ngọc Linh, sau này được chính quyền và doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng diện tích trồng dưới tán rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.

Đến Măng Ri hỏi thăm nhà A Sĩ (SN 1972) – Bí thư Đảng ủy xã thì người dân không ai là không biết. Dáng người thấp đậm, tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, A Sĩ được các già làng, trưởng bản tôn trọng lắng nghe vì lời nói luôn đi đôi với việc làm.

A Sĩ cho hay, trong kháng chiến, Măng Ri là căn cứ cũ của Tỉnh ủy Kon Tum, người đồng bào nghèo khó cưu mang, nuôi bộ đội, đuổi quân thù. Hết chiến tranh, Măng Ri vẫn là địa danh xa ngái, đời sống người dân còn khó khăn với những tập tục lạc hậu. Chỉ có cây "thuốc giấu" - tức sâm Ngọc Linh là sản vật đặc biệt mà nhiều vùng miền khác không có.   

Đời sống người Xê Đăng đổi thay nhờ liên kết trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh T.T

“Mình thấy sâm Ngọc Linh vừa quý vừa hiếm, người dân có 1-2 cây với dăm củ họ trồng được đâu đó trong rừng. Mình quyết định trồng và mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh, khi giá trị của cây thuốc được nhiều người biết đến thì mang về lợi nhuận cao cho người trồng. Người dân thấy mình trồng thì họ làm theo, củ sâm bán ra giúp họ có gạo, thịt trong nhà, có tivi, có xe máy đưa con cái đi học”, Bí thư A Sĩ chia sẻ.

Thay đổi nếp nghĩ của bản làng

Những năm gần đây, Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô về Măng Ri thuê đất rừng nguyên sinh trồng cây sâm với diện tích hàng chục ha. Nhận thấy cơ hội, A Sĩ xuống tận từng bản làng, gõ cửa từng nhà dân vận động bà con liên kết với doanh nghiệp cùng chung tay trồng cây sâm dưới tán rừng để phát triển kinh tế.

Đặc sản lá sâm mà người dân bản địa dùng để đãi khách. Ảnh T.T

“Mới đầu việc vận động gặp khó khăn do bà con chưa hiểu cách làm, mong muốn có lợi nhuận sớm. Nhưng mình giải thích rồi, trồng cây sâm không phải như trồng cây khoai, cây sắn trên rẫy, như nuôi con gà vài ba tháng là xuất bán được. Trồng sâm Ngọc Linh phải kiên nhẫn chờ đợi 7-10 năm đến khi cây trưởng thành có củ, đủ hoạt chất cần thiết. Làm ăn kinh tế phải bền vững và lâu dài mới thoát nghèo được”, A Sĩ nói.

Từ 5-7 hộ tham gia liên kết, đến nay gần 300 người dân ở Măng Ri đã tham gia trồng sâm cùng doanh nghiệp, cuối mùa vụ thì phân chia lợi nhuận. Cuối năm, nhiều hộ được doanh nghiệp thưởng Tết bằng heo, bằng sâm giống Ngọc Linh với giá trị 20-30 triệu đồng. A Sĩ cũng là người đi đầu khi gia đình ông cùng trồng hàng trăm cây sâm dưới tán rừng. Người già cùng lớp trẻ bảo vệ vườn sâm, chăm sóc, ươm mầm giống sâm quý giá quanh năm suốt tháng.

Nhiều người gọi A Sĩ là “vua sâm” vì không những sở hữu diện tích trồng lớn nhất xã mà ông còn có công vận động, thay đổi tư duy của đồng bào. A Sĩ nói: “Theo thói quen truyền thống, bà con trồng sâm trong vườn nhà, ở chỗ kín đáo trên nương rẫy của mình. Nhưng khi củ sâm lớn thì bị trộm vào nhổ, bị trâu bò quấy phá làm tốn kém công sức. Bây giờ làm ăn với doanh nghiệp, việc trồng sâm bài bản hơn, không lo mất trộm, bà con lại được trả tiền công chăm sóc, bảo vệ vườn sâm. Ai thiếu nguồn vốn, thiếu giống thì sẽ được xã, huyện và doanh nghiệp trợ giúp”.

Theo ông A Sĩ, địa phương đang phấn đấu mục tiêu từ năm 2022 trở đi, tỷ lệ hộ nghèo của xã Măng Ri giảm 4% mỗi năm theo tiêu chí mới và đến năm 2024 đạt chuẩn xã nông thôn mới. Từ năm 2022 trở đi, mỗi năm địa phương trồng thêm 20.000 gốc sâm Ngọc Linh, mỗi làng trồng thêm 2ha sâm dây. UBND xã vận động người dân chuyển dần diện tích lúa rẫy, trồng mì sang trồng cà phê xứ lạnh, phấn đấu mỗi năm tăng thêm khoảng 20ha…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn