MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây tung “Thằn lằn sấm” ở rừng Nam Cát Tiên, Đồng Nai. Ảnh: VNP/TTXVN

Ai bảo là cây cối vô tình?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai LDO | 12/02/2021 06:53
Dăm bảy năm trước, ngành Dầu khí ta sang Peru để khoan dầu. Trước khi làm đường xuyên rừng Amazon và dựng mỏ, ta phải ký vào một biên bản, quy định rằng: Nếu một cái cây rừng của họ bị đốn, ta phải trồng trả cho họ, tất nhiên là ở chỗ khác, một cây mới. Rừng Amazon là lá phổi của thế giới, người Peru giữ cây của họ như vậy đấy.

Ở ta, tự ngàn xưa, tổ tiên ta đã dạy con trai phải “Xây một ngôi nhà, đẻ một đứa con, trồng một cái cây và viết một quyển sách”. Không cần phải cố nghĩ lắm, ta cũng thấy cây quan trọng như thế nào trong một đời người, trên thế gian này. Hóa ra, Đông - Tây - kim - cổ đều như nhau, đều coi cây và coi rừng là trọng!

Con người vốn là một phần của tự nhiên. Người có “danh nhân”, cây có “danh thụ”. Người Đức coi cây sồi mà Đại thi hào Goethe của họ đã trồng là quốc bảo. Người Nga cũng đối xử như vậy với cây sồi của L.Tolstoy...

Cây nhãn lồng “tổ” ở Đình - Chùa Hiến, thành phố Hưng Yên. Ảnh tư liệu của VNP/TTXVN

1. Nước ta cũng đâu có thiếu “danh thụ”? Trước hết phải nói đến “cụ” cây đã được vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”, dịch nôm na là “Đại vương Dã hương, chúa tể của loài dã hương nước nhà”. “Cụ” sống ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. “Cụ” hiện cao 36m, tán phủ kín 2 sào đất (420m2), gốc phải 17 người ôm mới xuể. Cái hốc trong lòng “cụ” chứa được 19 người trưởng thành. Trong cuộc hội thảo về “cụ”, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học tổ chức vào năm 2011, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định, “cụ” đã 1.000 năm thọ và cho biết, “cụ” hiện là cây dã hương “độc nhất vô nhị” trên đời vì có một cây thứ hai như thế ở Châu Phi thì đã chết! “Cụ” thuộc họ long não, một loại cây dược liệu quý. Năm 1905, Toàn quyền Đông Dương Doumer đã cưa một cành của “cụ”, cho người làm ra hai cây thánh giá. Và năm 1932, ảnh của “cụ” đã được trưng bày tại Hội chợ Marseille (Pháp). Năm 1989, Bộ Văn hóa và Thông tin nước ta đã xếp “cụ” vào quần thể di tích quốc gia gồm cả Đình Viễn Sơn, Chùa Phúc Quang và Đình Thuận Hòa.

Tôi đã được gặp ông Hoàng Viết Nên - người được xã Tiên Lục cử ra trông nom “cụ” và giữ “niên ký” về “cụ”. Ông Nên giở “niên ký” ra và đọc:

- Năm 1945, một cành lớn phía tây gãy và Cách mạng Tháng Tám thành công.

- Năm 1954, một cành lớn phía tây gãy và Điện Biên Phủ đại thắng.

- Năm 1964, một cành lớn phía nam gãy và xảy ra “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, mở đầu cuộc “Chiến tranh phá hoại” của Mỹ ở Bắc Việt Nam.

- Năm 1975, một cành lớn phía tây gãy và ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Năm 1984, cành lớn phía tây bắc gãy và ta làm “Khoán 10”.

- Chiều 22.10.2006, cành lớn phía nam gãy và 16 ngày sau, nước ta ra nhập WTO...

Cây vải thiểu “tổ” ở Thúy Lâm, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh tư liệu của VNP/TTXVN

Thế đấy, cây đâu có vô tình!

Chỉ non một thế kỷ trước, Bắc Giang vẫn còn là xứ “Rừng thiêng nước độc”. Người Pháp ngày ấy từng chán nản nói rằng: “Hễ tù phạm vượt ngục mà chạy được lên Bắc Giang thì đừng đuổi nữa, vô ích!”. Thế là, “cụ” đã thống trị rừng xanh bao đời và vua Lê Cảnh Hưng sắc phong cho “cụ” là phải. “Cụ” nhưng mà còn già hơn cả “kỵ” chúng mình!

Cây đa Tân Trào ở Sơn Dương, Tuyên Quang.Ảnh: VNP/TTXVN

2. Cũng 1.000 tuổi như vậy là “cụ” chò chỉ ở rừng quốc gia Cúc Phương. “Cụ” chò chỉ hiện cao 50m, đường kính gốc 5m. Khi chúng ta chưa xây nhà chọc trời, bao đời “cụ” cao nhất nước!

Trẻ hơn hai “cụ” trên chút ít là các “ông” xích tùng (tùng đỏ) Yên Tử (Quảng Ninh) và “ông” gõ đỏ trong rừng quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) - đều cỡ từ 700 đến 800 tuổi.

Năm 1299, khi 41 tuổi, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia về Yên Tử và đứng đầu sơn môn này. Cùng với sự khởi phát dòng Thiền Trúc Lâm, chính người đã cho trồng rất nhiều xích tùng khắp Yên Tử, đặc biệt là hàng xích tùng dọc đoạn đường dài 200m từ sau Am Lò Rèn, trên con đường chính của sơn môn. Giờ người ta gọi đoạn đường đó là “Đường tùng”. “Đường tùng” hiện còn 47 “ông” tùng trồng từ ngày ấy. Đây là hàng cây được trồng cổ nhất Việt Nam và Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng là ông vua Việt đầu tiên “phát động” trồng rừng, dù lúc ấy có thể chỉ là để thiên nhiên - Phật giáo - Trần nhân hòa hợp.

Đường xích tùng Yên Tử, Quảng Ninh.Ảnh: VNP/TTXVN

“Ông” gõ đỏ Cát Tiên cũng đã thọ 700 năm. “Ông” cao chừng 40m, gốc đủ cho 5 - 6 người ôm. Bên cạnh “ông” trong rừng Nam Cát Tiên, còn có một “ông” cây tên rất “khủng” (vì được mang tên khủng long), ấy là “ông” tung. “Ông” tung này có tên là “Thằn lằn sấm” vì “ông” có rất nhiều bạnh vè cổ quái. Người ta nói, khi bạnh vè cây tung cao 6m thì nghĩa là tung đã 1.000 tuổi. Nay bạnh vè “ông” tung “Thằn lằn sấm” đã cao 2m, nghĩa là tuổi “ông” chừng 200 đến 300 tuổi! Ở Nam Cát Tiên, còn có “ông” bằng lăng 6 ngọn. “Ông” cỡ chừng ấy tuổi.

3. Cũng không được quên các “ông” cây khả kính khác!

Ví dụ, “ông” đa Tân Trào ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. “Ông” 300 tuổi. Ngày 13.8.1945, “ông” trực tiếp chứng kiến “Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam”, họp ở Đình Tân Trào, cách “ông” 500m về phía đông, để ra quyết định Tổng khởi nghĩa và mở Quốc dân Đại hội dẫn đến việc thành lập Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, vào ngày 6.8.1945. Dưới gốc “ông”, cũng vào chiều hôm ấy, Giải phóng quân Việt Nam làm lễ xuất quân, tiến về giải phóng Thủ đô, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Cây bằng lăng 6 ngọn ở rùng Nam Cát Tiên, Đồng Nai.Ảnh: VNP/TTXVN

Ví dụ, “ông” nhãn lồng “tổ” ở Đình - Chùa Hiến, thành phố Hưng Yên. “Ông” cũng 300 tuổi. Trước đây, gốc của “ông” 3 người ôm. Mấy chục năm trước, khi “ông” quá già, may sao, “ông” còn để lại một chồi nhỏ và người Hưng Yên chăm chút suốt để bây giờ, “hậu duệ” của “ông” đã cao 5m và có chu vi gốc chừng 2m, đứng thế chân “ông” đúng nơi xưa.

Hay như “ông” vải thiều “tổ” ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Cây được trồng bởi cụ Hoàng Văn Cơm từ năm 1870, đến giờ vẫn đơm hoa kết trái, vẫn “ngọt nhất dưới trời”...

Muốn có “nhà” cần phải có gỗ, tức là cần có “cây”. Muốn có “sách”, cũng cần có “cây” để làm giấy, nhất là những “cây” giàu xenlulo, chỉ có điều đừng đem “danh thụ” ra làm giấy là được. Mình giờ trồng nhiều “cây” thì sau này mới có “danh thụ” để lại cho con cháu, chưa kể trồng nhiều “cây” thì gọi là trồng rừng. Rừng lại giúp ta nâng cao chất lượng không khí và chất lượng nước, đất đỡ bị xói mòn hay bị sa mạc hóa, tức là nâng cao chất lượng sống của con người.

Kể mãi để rồi lại nên quay lại ý các cụ ta xưa, mỗi người nên/ phải “Xây một ngôi nhà, đẻ một đứa con, trồng một cái cây và viết một quyển sách”. “Nhà”, “con”, “sách” muốn có thì còn phải đợi, nhưng “cây” thì có thể trồng ngay được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn