MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản đồ Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: PV

Ai là thủ phạm “xẻ thịt” Vườn Quốc gia Bái Tử Long?

Nhóm PV LDO | 24/06/2022 06:26

Không chỉ để các cơ quan, đơn vị, cá nhân xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Bái Tử Long, chính quyền các cấp ở Quảng Ninh còn cấp đất cho các đơn vị này!

Cấp đất vượt thẩm quyền

Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15.11.2017 quy định, Thủ tướng Chính phủ được quyết định chuyển loại rừng đối với khu vực rừng do Thủ tướng thành lập. Vườn Quốc gia Bái Tử Long là rừng đặc dụng do Thủ tướng thành lập, do vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phải theo trình tự, quy định pháp luật.

Tuy nhiên, khác với những gì thể hiện trong luật, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và huyện Vân Đồn lại ngang nhiên cho các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Theo tìm hiểu của Báo Lao Động, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn, tỉnh Quảng Ninh thành Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Như vậy, theo đúng quy định, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh phải tiến hành kiểm đếm, đền bù, thực hiện chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Thế nhưng bỏ qua các quy định pháp luật, ngày 24.2.2009, UBND tỉnh Quảng Ninh ký Quyết định số 456 cho Công ty TNHH Quan Minh thuê đất, xây dựng xưởng chế biến sứa, thời hạn 10 năm. Đến nay, mặc dù hết thời hạn thuê đất, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang loay hoay không biết xử lý như thế nào.

Hay như Dự án đầu tư xây dựng trạm kiểm soát trên sông, vịnh - Ban chủ huy Biên phòng cửa khẩu Cảng Vân Đồn, mặc dù phạm vi xây dựng chưa được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến điều chỉnh ra khỏi ranh giới Vườn Quốc gia Bái Tử Long, nhưng tỉnh Quảng Ninh lại chấp thuận cho nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cũng như phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Ngoài ra, bất chấp các quy định pháp luật, ngày 25.9.2007 tỉnh Quảng Ninh đã ký hợp đồng số 131/HĐTĐ cho Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hoa thuê đất có thời hạn 50 năm, tính từ ngày 10.9.2007, để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái đảo Trà Ngọ - Cái Lim, với diện tích “khủng” lên tới 1.214.262m2. Đáng chú ý, khu vực triển khai dự án này cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định tách khỏi ranh giới Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Đặc biệt, theo ghi nhận của Báo Lao Động, một diện tích đất lớn đã được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh cấp cho các hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, có tới 33 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khu vực được xác định nằm ngoài phạm vi 500ha và 7 trường hợp nằm trong phạm vi 500ha (theo quyết định 1976 ngày 30.10.2014 của Thủ tướng - PV). Đồng thời, các diện tích này đã được xây dựng công trình, thậm chí có những công trình lớn, nhưng không bị kiểm tra, nhắc nhở.

Khắc phục sai phạm bằng “rút ruột” ngân sách nhà nước?

Trong báo cáo số 37/BC-VQG ngày 27.1.2022 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long chỉ rõ, trách nhiệm quản lý, xử lý các trường hợp xâm phạm tài nguyên trong phạm vi thẩm quyền là của huyện Vân Đồn, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Đồng thời, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long báo cáo xin ý kiến tỉnh trong phạm vi thẩm quyền, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm 500ha diện tích Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Bên cạnh đó, thực hiện quy trình thu hồi Quyết định với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau tháng 6.2001.

Cũng để khắc phục hậu quả “xẻ thịt” Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã khái toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các đơn vị, cá nhân với số tiền lên tới trên 108 tỉ đồng.

Đồng thời, kiến nghị không thực hiện việc thu hồi đất đối với Công ty Cổ phần Vạn Hoa; Trung tâm giống nhuyễn thể Vân Đồn và điều chính trạm kiểm soát trên sông vịnh của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ninh ra khỏi ranh giới vườn Quốc gia…

Về vấn đề này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc rà soát, điều chỉnh quy mô, diện tích của Vườn Quốc gia Bái Tử Long trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm 500ha so với Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.

Việc điều chỉnh diện tích Vườn Quốc gia Bái Tử Long phải phù hợp với quy định sử dụng đất Quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021-2030, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện theo phương án/dự án riêng được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Với việc để hàng loạt công trình xây dựng trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất vượt thẩm quyền, dư luận đặt câu hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn