MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội đang vừa thiếu, vừa kém chất lượng. Ảnh: Thu Thủy

Ám ảnh những nhà vệ sinh công cộng bẩn thỉu, hôi thối giữa trung tâm Hà Nội

THU THỦY LDO | 19/11/2023 11:36

Kinh hoàng, sợ hãi, rùng mình, buồn nôn… là cảm nhận chung của nhiều người khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhìn muốn… ngất

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 18.11, khu vực gần sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) có 5 nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên chỉ 3 nhà vệ sinh trong số đó sử dụng được.

Khu vực gần sân vận động Quốc gia Mỹ Đình có 5 nhà vệ sinh công cộng, chỉ 3 trong số đó sử dụng được. Ảnh: Thu Thủy

Tại đây, gần như các nhà vệ sinh công cộng đều rơi vào tình trạng bỏ hoang, không ai sử dụng. Tuy nhiên, nếu vô tình đi bộ qua khu vực này, không khó để ngửi thấy mùi hôi thối, khó chịu lâu ngày bốc lên.

Nhà vệ sinh công cộng nơi thì khóa chặt, chỗ thì bỏ hoang, bẩn thỉu. Ảnh: Thu Thủy

Bà Kiều Thị Yến (quê Thanh Hoá) ngỡ ngàng trước hiện trạng của nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này. Bà Yến chia sẻ: “Tôi mới từ quê lên đây lao động. Trong lúc chờ xe đến đón, tôi có đi thử nhà vệ sinh công cộng, mới bước vào, tôi giật mình khi thấy rác, nước tiểu, giấy vệ sinh vứt ngổn ngang”.

Bà Yến vội bịt mũi, đi bộ về phía khu nhà vệ sinh công cộng nằm cạnh cổng chính sân vận động. May mắn, khu vực này trông “tạm chấp nhận” hơn dù cũng nhếch nhách và có dấu hiệu xuống cấp.

“Không nghĩ ở Hà Nội còn nhà vệ sinh công cộng kinh khủng như vậy. Tôi nghĩ ai mà chứng kiến chắc cũng phải ám ảnh”, bà Yến kể lại.

Bà Yến vẫn chưa hết ám ảnh về 1 số nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này. Ảnh: Thu Thủy

Cùng chung cảm nhận, ông Nguyễn Hồng (quê Thanh Hoá) chia sẻ, bất đắc dĩ lắm mới sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở đây.

“Không còn từ gì để diễn tả được hình ảnh ngổn ngang đủ thứ chất bẩn trong ngăn vệ sinh chật hẹp ấy. Cống tắc nghẽn chất thải, đèn cháy bóng, mạng nhện, băng vệ sinh, rác thải… vứt bừa bãi, chất kín mặt sàn”, ông Hồng nhăn mặt.

Còn tại nhà vệ sinh công cộng cạnh Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), phí đi vệ sinh là 3.000 - 5.000 đồng/lượt. Phía trong nhà vệ sinh có diện tích rất hẹp, thiết bị xuống cấp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Nơi khoá cửa kín mít, chỗ đèn điện chập chờn

Cũng theo tìm hiểu, nhiều nhà vệ sinh công cộng dọc đường Láng (quận Đống Đa) thường xuyên rơi vào tình trạng “cửa khoá, then cài”. Một số người tỏ ra khá hụt hẫng vì nhà vệ sinh công cộng “có cũng như không”.

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Láng thường xuyên khoá cửa. Ảnh: Thu Thủy

Tiếp đó, mặc dù có hoạt động, trên thực tế, nhà vệ sinh công cộng ở phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) vẫn thỉnh thoảng cháy bóng, xả nước “lúc được, lúc không”.

Hơn 20 năm dọn dẹp vệ sinh ở đây, bà Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1969) cho biết, không phải ai cũng có ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

“Khu vực này chủ yếu là khách du lịch, khách Tây, xe ôm, bán hàng rong sử dụng phần nhiều. Có trường hợp đi xong không xả nước, có trường hợp đi không đúng khu vực quy định… tôi có nhắc nhở nhưng đôi lúc cũng rất khó chịu”, bà Chính bộc bạch.

Bà Chính mong muốn, mỗi người nâng cao ý thức để góp phần giúp khu vực nhà vệ sinh công cộng không làm mất mỹ quan đường phố.

Bà Nguyễn Thị Chính đã có hơn 20 năm dọn dẹp vệ sinh tại đây. Ảnh: Thu Thủy

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhà vệ sinh công cộng là vấn đề chung của cộng đồng, nếu không có giải pháp đến nơi đến chốn sẽ gây ra bức xúc.

Vì vậy, ông cho rằng nếu được giao cho các doanh nghiệp để chủ động khai thác, cung cấp dịch vụ tại những nơi công cộng và coi đó là phần tất yếu từ chuỗi dịch vụ của họ thì mới mong có kết quả khả thi.

Khoảng 6 năm trước, Hà Nội đã triển khai kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, cả thành phố mới có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh, tập trung chủ yếu tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Đây là một con số rất ít so với quy mô Thủ đô với gần 10 triệu dân sinh sống, nhu cầu sử dụng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn