MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cứ đến ngày 1.9 là bà cùng các chị em phụ nữ ấp, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tụ họp để chuẩn bị lễ vật dâng cúng Bác.Ảnh: Phương Anh

Ấm lòng ngày giỗ Bác ở Long Mỹ, Hậu Giang

PHƯƠNG ANH LDO | 02/09/2024 14:11

Hơn 20 năm qua, cứ đến Quốc khánh 2.9, bà con nhân dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) lại cùng nhau quây quần giỗ Bác.

Những ngày cuối tháng 8, phóng viên Lao Động về xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) để viếng Đền thờ Bác Hồ.

Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bé - Phó Trưởng ban Quản trị di tích Đền thờ Bác Hồ - cho biết: Đền thờ được lập vào năm 1969 khi hay tin Bác mất. Ban đầu Đền được xây dựng đơn sơ bằng tre lá và nhiều lần bị hư hỏng do chiến tranh. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay Đền được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng khoảng 3ha cùng nhiều hạng mục. Đền thờ Bác Hồ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2000.

Bà Bé cho hay, sau khi xây dựng Đền thờ Bác được vài năm người dân mang cơm dâng Bác, có khi là những món ăn dân dã bình thường, có khi nấu bánh ít, xôi. Đến năm 1990, nhiều chị em địa phương bàn bạc mỗi người góp chút công sức cùng nhau làm giỗ Bác. Tiếp đó vài năm, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, việc giỗ Bác được tổ chức bài bản và quy mô hơn.

“Đối với người dân xã Lương Tâm, Bác Hồ như vị cha già, người thân ruột thịt trong gia đình, nên đến ngày 2.9 chúng tôi đều tổ chức làm giỗ Bác để bà con địa phương tập trung về tưởng nhớ công ơn của Người”, bà Bé nói.

Bà Nguyễn Thị Ngãi - người dân xã Lương Tâm cho biết, cứ đến ngày 1.9 là bà cùng các chị em phụ nữ ấp, xã tụ họp để chuẩn bị lễ vật dâng cúng Bác. Mỗi người mỗi việc, người thì trang hoàng bàn thờ, quét dọn khuôn viên, người thì đi chợ mua gạo, nếp, gia vị để ngày giỗ thật tươm tất và trang trọng.

“Ngày xưa, cuộc sống còn khó khăn, mâm cơm giỗ Bác chỉ là những món ăn thường ngày và ít bánh, trái cây. Sau này, cuộc sống khấm khá hơn, mâm cơm dâng Bác cũng thịnh soạn hơn và mỗi năm có rất nhiều người dân trong và ngoài địa phương đến dự”, bà Ngãi cho biết thêm.

Vào sáng ngày 2.9 hàng năm, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con nhân dân xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) sẽ tập trung về Đền thờ thực hiện nghi thức giỗ Bác. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất với hoa tươi, mâm ngũ quả. Mâm cơm dâng Bác bao gồm các món ăn truyền thống của người Việt. Nhiều cụ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn đến để thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính với Bác, bởi trong tâm thức của họ, đây là buổi lễ hết sức thiêng liêng và trang trọng.

Bà Nguyễn Thị Bé - Phó Trưởng ban Quản trị di tích Đền thờ Bác Hồ thông tin thêm, ngoài ngày Quốc khánh 2.9, Ban quản trị còn giỗ vào ngày Bác mất là 21.7 Âm lịch hằng năm phù hợp với tín ngưỡng dân gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn