MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

An Giang: Trên 70% đơn vị, doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm

LỤC TÙNG LDO | 24/12/2022 06:00

Không chỉ nợ khó đòi, nhiều cơ sở còn “biến mất” không hẹn ngày tái ngộ. Trong khi đó, công tác xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn nhiều khó khăn.

Nợ kéo dài, khó đòi

Theo báo cáo của BHXH An Giang, năm 2022 toàn tỉnh có 1.343 đơn vị nợ các loại bảo hiểm, chiếm trên 70,% tổng số doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh toàn tỉnh. Tổng số tiền nợ bảo hiểm lên đến trên 150 tỉ đồng. Trong đó đơn vị nợ nhiều nhất lên đến trên 33 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo BHXH An Giang, đáng chú ý là có đến trên 160 đơn vị nợ kéo dài (3 - 6 tháng) và “trây ỳ”, khó đòi với tổng số tiền gần 10 tỉ đồng. Đáng lo hơn là có đến 277 đơn vị không còn lao động, không liên hệ được, giải thể, hoặc “biến mất” với tổng số tiền gần 60 tỉ đồng.

“Tình trạng nợ BHXH kéo dài không chỉ gây khó khăn cho đơn vị BHXH trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” - ông Đặng Hồng Tuấn, Giám đốc BHXH An Giang chia sẻ. Thực tế cho thấy, việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ các loại bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người lao động mà còn gây hệ luỵ xấu, đặc biệt là lao động nữ khi thai sản.

Ghi nhận tại doanh nghiệp có trên 2.000 lao động tại Khu Công nghiệp Bình Hoà (huyện Châu Thành) của đoàn công tác BHXH An Giang cho thấy, do nợ BHXH của đơn mà có trên 30 lao động nữ nghỉ thai sản chưa được thanh toán.

Cần biện pháp mạnh từ gốc

Bên cạnh nguyên nhân biến động thị trường, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đã ảnh hưởng đến nợ BHXH, theo cơ quan chức năng, cũng không thể bỏ qua vấn đề ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một bộ phận người sử dụng lao động.

Việc chậm đóng, trốn đóng, đóng không đúng quy định cho người lao động diễn ra khá phổ biến. Mà biểu hiện dễ thấy nhất là có sự chênh lệch lớn số lượng lao động đang quản lý giữa cơ quan thuế và ngành BHXH.

Vì vậy, theo ông Đặng Hồng Tuấn, để giải quyết nợ BHXH, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, làm cho người sử dụng lao động “thông” và người lao động nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình để chủ động tự vệ, tới đây sẽ áp dụng các biện pháp mạnh, như công khai tên doanh nghiệp nợ BHXH trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đóng BHXH, BHTN, BHYT để xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, những nỗ lực này mới chỉ có thể xử lý phần ngọn của vấn đề. Thực tế cho thấy, đến nay các hình thức và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn