MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Đ.H

Ẩn họa từ việc sử dụng lá cây chữa rắn cắn ở vùng cao Hòa Bình

Khánh Linh LDO | 27/06/2022 12:12
Hòa Bình - Dùng lá cây chữa rắn cắn là thói quen từ lâu đời của bà con vùng cao. Tuy nhiên, việc làm này đã dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Ngày 20.6, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp nhận bệnh nhân nam 66 tuổi tại xã Độc Lập (TP.Hoà Bình) trong tình trạng khó nói, mệt nhiều, suy đa tạng, mu bàn tay bầm tím, hoại tử, nhiễm trùng do bị rắn độc cắn.

Sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ cho dùng kháng sinh, hỗ trợ điều trị suy đa tạng, đặc biệt là suy gan, thận.

Trao đổi với PV, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đã ở giai đoạn muộn, khi các tạng trong cơ thể bị suy, đặc biệt là vết thương do rắn cắn đã hoại tử và nhiễm trùng nặng".

Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân bị rắn cắn từ 4 ngày trước khi nhập viện, tuy nhiên không đưa đến viện ngay mà ở nhà điều trị bằng cách lấy lá thuốc dân gian đắp lên vết thương, khiến vết thương càng nhiễm trùng nặng và hoại tử. 

Trước đó, BVĐK Hòa Bình cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, vết thương hoại tử nặng do bị rắn hổ mang cắn vào ngón tay khi đang lấy củi ở vườn.

Tiếp đến, 1 trường hợp bị rắn cắn vào cánh tay khi đang kéo điện cũng bị ảnh hưởng nặng và phải điều trị lâu dài.

Theo bác sĩ Tình, hàng năm, vào mùa mưa (mùa hè) khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bị rắn cắn. Đã có không ít trường hợp đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng do sơ cứu ban đầu không đúng cách. 

Bà con thường trích rạch vết thương hoặc điều trị bằng kinh nghiệm dân gian như rửa bằng lá thuốc, rửa bằng các loại nước, rượu ngâm cây rừng để điều trị vết cắn. 

Cũng theo các y, bác sĩ ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, những bệnh nhân bị rắn cắn tự điều trị bằng kinh nghiệm dân gian, khi nhập viện thường trong tình trạng vết thương hoại tử và nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ phải cho thở máy, lọc máu, truyền huyết thanh kháng nọc, đồng thời quá trình điều trị khó khăn, tỉ lệ tử vong cao.

"Đối với bệnh nhân bị rắn cắn, việc sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến thành công trong các bước điều trị tiếp theo. Tuyệt đối không trích, rạch, nặn máu hoặc đắp lá thuốc lên vết cắn. 

Khi bị rắn cắn, bà con nên bình tĩnh, rửa vết thương bằng nước sạch với xà phòng, sau đó băng ép cố định vị trí bị cắn. Đặc biệt, nếu có thể hãy lưu lại hình ảnh con rắn để bác sĩ có thể định danh được loại rắn và có phương pháp điều trị phù hợp" - đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình khuyến cáo. 

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, đơn vị này đã tiếp nhận 8 ca bị rắn cắn, trong đó nhiều ca nhập viện trong tình trạng cấp cứu do bị nhiễm trùng, suy đa tạng. 

Nguyên nhân được xác định do người dân đã điều trị theo phương pháp dân gian như đắp lá thuốc, trích rạch vết thương...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn