MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

An sinh xã hội chịu nhiều thách thức của cách mạng 4.0

NHIỆT BĂNG LDO | 19/09/2018 08:01
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35), sáng 18.9 tại Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đòi hỏi mạng lưới an sinh xã hội, các cơ quan bảo hiểm phải chuyển đổi mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng công nghệ để đáp ứng những thay đổi hết sức to lớn trong thị trường lao động, các ngành nghề, người lao động.

Lao động ngắn hạn sẽ nhiều hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Đây là minh chứng cho một ngành nỗ lực vươn lên, tận dụng cơ hội. Theo Phó Thủ tướng, trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, lao động (LĐ) ngắn hạn sẽ nhiều hơn LĐ dài hạn. Vì thế, tất cả các cơ chế về bảo hiểm đều phải nghiên cứu và thay đổi thích hợp. Lao động trong thời kỳ mới không đơn thuần là LĐ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, mà trong CMCN 4.0, tỉ trọng LĐ do người LĐ tự tạo ra cho mình sẽ ngày càng nhiều hơn. Lao động ngắn hạn tạo ra theo thời vụ, thậm chí theo giờ đồng hồ cũng nhiều hơn.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam hiện có hơn 200.000 LĐ tự do. Điều này cũng đòi hỏi chế độ, chính sách, nghĩa vụ của doanh nghiệp, người LĐ và sự điều phối của các cơ quan bảo hiểm cũng sẽ thay đổi. “Người LĐ ngồi ở Việt Nam có thể làm việc cho các công ty bên kia bán cầu. Người LĐ không nhất thiết phải đi từ nơi này đến nơi kia” - Phó Thủ tướng nói. Sẽ có những ngành nghề mới xuất hiện nhưng ngay cả bây giờ cũng khó vạch ra được hết những nghề gì sau 10-20 năm nữa. Những ngành nghề đó cần những kỹ năng rất mới. Phó Thủ tướng mong muốn, doanh nghiệp cùng với Nhà nước và người LĐ cũng như các tổ chức phải đổi mới đào tạo, phải làm sao đó, dù là LĐ giản đơn hay LĐ phức hợp đều phải sẵn sàng nâng cao kỹ năng của mình. “Để làm được điều này, nhiệm vụ của các cơ quan về an sinh xã hội là vô cùng cần thiết” - Phó Thủ tướng đề nghị.

Tăng cạnh tranh trong hoạt động BHXH

Tại hội thảo, các ý kiến, các giải pháp được đưa ra nhằm giúp Chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo cho người LĐ, nhất là LĐ di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, LĐ và việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Suradej Waleeittikul - Tổng Thư ký Hiệp hội An sinh xã hội Thái Lan, Chủ tịch đương nhiệm ASSA - cho rằng, việc phát triển của CNTT và sự dịch chuyển LĐ tự do ngày càng lớn hiện nay trong khu vực và thế giới đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các tổ chức an sinh xã hội xây dựng hệ thống chính sách, mạng lưới bảo hiểm của mình...

Theo ông Jens Schremmer (Hiệp hội An sinh Quốc tế - ISSA), tự động hóa sẽ làm giảm số lượng việc làm ở các ngành nghề cũ, bên cạnh sự xuất hiện của các ngành và nhiệm vụ mới.

“Việc chuyển đổi thị trường lao động và tác động xã hội dựa trên nền kinh tế số sẽ tạo ra thách thức cho an sinh xã hội” - ông Jens Schremmer cho hay.

Bên cạnh thách thức, PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN) cho rằng CMCN 4.0 cũng mở ra cho ngành BHXH cơ hội mới. Đó là thế giới số hóa và kết nối số toàn cầu, thông qua mạng và các công cụ thông minh. Theo ông Thiên, mạng càng rộng và càng nhiều điểm kết nối thì càng hiệu quả. Đối tượng BHXH cũng thay đổi về phạm vi, cơ cấu, tính chất, kéo theo tính cạnh tranh trong hoạt động BHXH cũng thay đổi mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch đương nhiệm ASSA - cho biết, hệ thống an sinh xã hội ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức do tác động lan tỏa từ CMCN 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển LĐ trong khu vực, đòi hỏi ASSA cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn...

Sau khi kết thúc các phiên thảo luận, Hội nghị ASSA 35 sẽ thông qua Tuyên bố chung khẳng định mong muốn và ý chí tập thể nhằm xây dựng cộng đồng an sinh xã hội đoàn kết, đồng thuận và phát triển vì lợi ích của người dân, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Hệ thống an sinh xã hội ASEAN cần cách thức tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn khi đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực; đòi hỏi sự liên kết hiệu quả, sự thống nhất trong đa dạng...

Nhiều thách thức đa chiều đối với mạng lưới an sinh xã hội

Hội nghị với chủ đề “Cơ hội và thách thức của các hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”. Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, tác động của quá trình tự do dịch chuyển lao động và áp lực già hóa dân số đối với hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia là rất lớn. Bên cạnh đó là những thách thức đa chiều như: Quyền được làm việc, thất nghiệp do tái cơ cấu nền kinh tế; quyền được đảm bảo an sinh xã hội và nguồn lực hữu hạn của xã hội để đảm bảo các quyền đó; già hóa dân số, thị trường lao động và việc làm cho lao động trẻ dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo thuận lợi cho sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động, thông qua một thị trường chung về lao động mà AEC đang hướng tới. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội cũng không phải là ít, trong đó có yêu cầu đảm bảo chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế cho người lao động của quốc gia này làm việc tại quốc gia khác.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam tập trung đẩy mạnh phát triển CNTT, ứng dụng CNTT không chỉ riêng trong các ngành công nghệ cao, các ngành công nghiệp mà ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả xã hội và từng cá nhân. A.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn