MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ăn Tết trên biển

Thanh Chung LDO | 22/01/2020 17:24
Những ngày cuối tháng chạp, trong khi người người dọn nhà cửa, sửa soạn quần áo mới, đón năm mới thì những ngư dân ở Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị chuyến vươn khơi mang theo: bia, bánh kẹo, thịt heo, mứt… cùng nhau đón Tết  trên biển. 

Đón "lộc" đầu năm trên biển 

Những chuyến vươn khơi cuối năm âm lịch, nếu cập bờ với cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá sẽ ăn nên làm ra. Hầu hết ngư dân ở Tam Quang đều có vài ba lần ăn Tết trên biển. Và năm nay cũng không ngoại lệ.

Ngư dân Nguyễn Văn Nghị (42 tuổi, trú xã Tam Quang) - chủ tàu QNa 91439 TS cho biết, những chuyến đi biển cuối năm ở ngư trường Hoàng Sa cũng gần đồng nghĩa với việc ăn Tết ở ngoài đó. Nên chuyến đi biển lần này chuẩn bị đồ đạt nhiều hơn ngày thường để những ngày Tết trên biển có cái mà cúng, mà ăn. Chuyến biển Tết thường xuất cảng ngày 18-19 tháng chạp và cập cảng khoảng mùng 6 tháng giêng.

Ngư dân chuyển đá lên tàu chuẩn bị chuyến đi biển xuyên Tết. Ảnh: T.C

Với các chủ tàu, chuyến biển cuối năm tốn kém nhiều hơn vì phải chuẩn bị hàng tết phòng khi không về đất liền kịp để anh em trên tàu cũng có tết.

Theo ngư dân Nghị, nhiều ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên Tết vì đây là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên biển êm, thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả hơn những chuyến đi khác trong năm.

Hơn nữa, tàu về dịp năm mới, các loại thủy, hải sản tươi hơn nên thương lái rất thích mua, bán được giá. Đặc biệt, vì đi biển những ngày cận Tết nên các chủ tàu thường cho thuyền viên ứng tiền trước để người thân của họ ở nhà có tiền mua sắm Tết. Mỗi chuyến đi biển Tết như thế, thu nhập cao hơn tăng thu nhập cao hơn 30% thậm chí 50% so với ngày thường nếu trúng luồng cá và giá chắc chắn cao hơn.

Cùng nhau đón giao thừa

Bắt đầu từ chiều 30 Tết, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định, thả neo cho tàu đậu cạnh nhau.

Thuyền viên trên các tàu sẽ tập trung bánh mứt, rượu thịt về 1 chiếc tàu lớn nhất để cùng nhau đón mừng năm mới. Tối giao thừa, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển. Những lời chúc ý nghĩa ấy tiếp thêm động lực cho những ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ăn Tết trên biển, nỗi nhớ gia đình không thể giấu trên gương mặt của ngư dân Nguyễn Văn Nghị cùng bạn thuyền. Ảnh: T.C

Ngư dân Huỳnh Trương - (52 tuổi, trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cho hay, thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Những con cá, con mực ngon nhất trong chuyến đi câu được trân trọng dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt mới bội thu.

Sau đó, các bạn thuyền cùng ngồi lại bên nhau ôn lại chuyện đón Tết năm trước ở biển thế nào, kể nhau nghe chuyện vợ con gia đình, rồi uống đôi chén rượu. "Thời khắc giao thừa có chút trầm buồn, nhớ nhà, nhớ vợ con vô cùng, nhưng đã là “cái nghề, cái nghiệp” thì chúng tôi chấp nhận. Bởi, chúng tôi quan niệm biển là nhà, mà đã là nhà thì ăn Tết ở đâu cũng vậy. Từ biển là giúp ngư dân chúng tôi có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang và có cái lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Dù gặp nhiều khó khăn thậm chí là tính mạng, chúng tôi cũng không bỏ được biển” - ông Trương chia sẻ.

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ uống chén rượu mừng xuân, các tàu tản ra mỗi người mỗi hướng đánh bắt, mong kéo những mẻ lưới đầy, sớm vào bờ sum họp, đón Xuân muộn bên gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn