MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám cho một bệnh nhân nhiễm sán dây lợn vì ăn tiết canh. Ảnh: Hương Giang

Ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm có thể nhiễm sán không?

Thùy Linh LDO | 18/06/2023 19:01

Nhiều người dân đến lúc nhập viện vẫn luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không thể bị nhiễm sán. Nhưng theo các bác sĩ, suy nghĩ này là chưa đúng.

Tiết canh nhà làm không phải là sạch

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

Đơn cử như bà N.T.Q (Hải Dương) phải nhập viện vì đột ngột ngã quỵ tại nhà. Bà được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương điều trị. Tại đây bà được chẩn đoán bị ấu trùng sán lợn lên não và được chuyển sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị. 

"Mỗi tháng tôi chỉ ăn tiết canh khoảng một lần cho mát. Tiết canh nhà tự làm rất sạch sẽ, ai ngờ lại bị bệnh sợ thế này. Lúc bác sĩ nói tôi còn không tin"- bà Q chia sẻ. 

Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như: tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống….

Hơn nữa ở vùng núi, tình trạng chăn thả lợn rông vẫn còn nhiều. Trong chất thải của lợn có thể có trứng sán. Khi người hoặc động vật ăn phải rau cỏ, thực phẩm có trứng sán thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm sán lợn.

TS.BS Thọ cũng cho hay nhiều người dân đến khi viện vẫn luôn khẳng định ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là chưa đúng.

"Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, giun sán… Tiết canh từ lợn do gia đình nuôi vẫn có nguy cơ lây nhiễm sán cao" - bác sĩ Thọ nhấn mạnh. 

Theo ông, có nhiều người tưởng rằng ăn tiết canh vịt nhà tự làm sẽ không bị nhiễm giun sán hay liên cầu lợn. Nhưng trong quá trình cắt tiết, chế biến không đảm bảo dẫn tới vi khuẩn ở da, lông con vật dễ dàng xâm nhập vào máu.

"Bên cạnh đó, tiết canh vịt dù không có liên cầu lợn nhưng để hấp dẫn, người chế biến lại lấy những bộ phận của lợn chế biến làm nguyên liệu đánh tiết canh thì cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao", TS.BS Thọ phân tích rõ.

Sán não khiến nhiều bệnh nhân nhớ nhớ quên quên

Theo TS.BS Thọ, sán não cũng khiến cho bệnh nhân bị ảnh hưởng, suy giảm trí nhớ. Bệnh nhân tới nhập viện trong trạng thái nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần.

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Bệnh nhân bị tổn thương não do sán não khi sống và sinh hoạt tại cộng đồng.

Những cơn co giật có thể xuất hiện không báo trước gây nguy hiểm cho không chỉ bệnh nhân mà còn nguy hiểm với nhiều người xung quanh (như khi tham gia giao thông chẳng hạn).

"Có những bệnh nhân khi nhập viện, khi chụp phim cộng hưởng từ sọ não cho thấy có rất nhiều nang sán trên não, các nang sán nhiều chi chít như mắt sàng.

Có nhiều bệnh nhân sau điều trị sán não dù đã ổn định, các nang sán không phát triển nữa nhưng lại chuyển sang giai đoạn vôi hóa khiến bệnh nhân có những di chứng tồn tại trên não, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân. Mỗi khi thay đổi thời tiết, làm việc nặng, căng thẳng tinh thần, bệnh nhân có thể sẽ bị co giật" – TS.BS Thọ cảnh báo.

Sán não còn gây ra tổn thương ở đáy mắt. Bệnh nhân thường thấy nhức mắt, giảm thị lực. Thậm chí, có những bệnh nhân thị lực chỉ còn 2/10.

Sau khi điều trị, thị lực có thể phục hồi chút ít, không đáng kể bởi đã bị tổn thương dây thần kinh ở hốc mắt. Tùy thuộc vào việc bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời thì cơ hội phục hồi thị lực sẽ tốt hơn.

TS. BS Thọ đưa ra khuyến cáo, bà con nếu phát hiện có biểu hiện bất thường dưới da, u nhỏ trong cơ như hạt đậu tương hoặc hạt lạc, đau đầu, co giật, hay đã từng đi ngoài có đốt sán, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn