MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tướng Phúc là con người hào sảng và đầy nhiệt huyết. Ông vẫn nhớ như in những trận đánh năm xưa.

Anh hùng chiến trận giữa đời thường

VIỆT VĂN LDO | 30/04/2018 10:00

Dự án “Tướng trận thời bình” của tôi có 12 vị tướng trận oai hùng, đánh Đông dẹp Bắc ở nhiều quân binh chủng khác nhau, trong đó, hai vị tướng mà tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất, là Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc và Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

Chiều mùa đông, tướng Huy đến viếng các đồng đội ở nghĩa trang Hà Nội. Ông kể nhiều lúc buồn, ông lại đến nghĩa trang, nói với những ngôi mộ: xin các liệt sĩ tha thứ cho ông. Vì ông là chỉ huy của nhiều trận đánh trong đó có những trận, đồng đội của ông hy sinh nhiều.
Ông thổi kèn cho cháu nghe.
Trong bộ quân phục chỉnh tề, nhìn từ dưới lên, tướng Huy như một tượng đài, tiêu biểu cho một thế hệ tướng trận anh hùng của Quân đội nhân dân VN trong hai cuộc kháng chiến.
Khoảng lặng.
Đôi khi rảnh rỗi, tướng Huy cũng ngắm lại những tấm huy chương. Mỗi huy chương đánh dấu những trận đánh thành công của ông, nhưng ông cũng ngậm ngùi nhớ lại đồng đội đã hy sinh.
Tướng Huy và bức ảnh hai vợ chồng ông chụp năm 1964, 1 năm sau ngày cưới. Tướng Huy luôn mang theo tấm ảnh này trong người như một kỷ vật quý.
Cuốn sách mang tên “Valley Vets II - an oral history”của tác giả William L. Adam (Mỹ) dành một chương để nói về tướng Huy.

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc sinh năm 1933 tại Bắc Ninh, nguyên là Ủy viên Quân sự Việt Nam tại Liên Xô, Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Ủy viên Đảng ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh.

Ông đã tham gia nhiều trận đánh lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như trận Điện Biên Phủ (đánh đồi C1 và C2) và đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm, với phương pháp bắn độc đáo góp phần hạ nhiều máy bay B52.

Có lần tôi hỏi tướng Phúc: “Vì sao nhiều vị tướng lĩnh của ta không được học tập, đào tạo một cách có phương pháp, bài bản nhưng lại có thể chiến thắng trong nhiều cuộc chiến với tướng lĩnh quân đội nổi tiếng của nước ngoài? Ông trả lời: Việt Nam có truyền thống chống xâm lược trải qua nhiều thế hệ từ đời này sang đời khác, ngày càng được nâng cao. Các vị tướng ở ta đã học được lịch sử và nghệ thuật chiến tranh của tổ tiên, đó cũng là văn hoá Việt Nam“.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tướng Phúc có biệt danh “tiếng kèn địch vận” khi chơi đàn harmonica thổi những bản nhạc của ta và của nước ngoài không những động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta mà còn làm suy giảm ý chí tinh thần của đối phương.

Về hưu, sở thích âm nhạc của tướng Phúc càng có dịp được phát huy. Ông không chỉ thổi kèn harmonica mà còn chơi guitar, piano và sáng tác nhiều bài hát về thiếu nhi, ngành y và lực lượng phòng không không quân.

Điều tôi yêu quý ở ông là cách sống giản dị của một vị tướng. Mỗi lần có dịp gặp ông là cảm nhận rõ sự ấm áp, gần gũi, thân tình, luôn quan tâm tới người khác với tấm lòng nhân hậu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, ở Khoái Châu, Hưng Yên, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, gia nhập quân ngũ từ năm 17 tuổi và tham gia nhiều trận đánh lớn, trong có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông từng chiến đấu ở sư đòan 320, sư đoàn 304 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 325 chiến đấu giải phóng Nam Lào sau này. Và đặc biệt, ông là Tham mưu trưởng ở mặt trận Vị xuyên (Hà Giang) từ năm 1985-1989.

Những trận đánh Quảng Trị 1972, Thừa Thiên Huế 1975... ở chiến trường Miền Nam - Việt Nam là lúc ông phát huy tốt nhất khả năng cầm quân của mình. Trận đánh tiêu diệt tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn ở Bắc sông Thạch Hãn, Quảng Trị, ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen.

Với tướng Huy “Tình đồng đội trong chiến tranh là cao cả nhất”. Năm 1967, ông chôn một đồng đội của mình - đại úy Nguyễn Danh Ngọc, Tham mưu trưởng trung đoàn 9B bị hy sinh trên đất Lào phía Tây sông Sepol. 30 năm sau, ông bỏ thời gian sang Lào tìm bằng được hài cốt người đồng đội năm xưa, đưa về VN. Ông bảo: đó là trách nhiệm của người còn sống với người đã hy sinh.

Trong cuốn sách mang tên “Valley Vets II - an oral history” của William L. Adam (Mỹ), trong phần phỏng vấn tướng Huy, tác giả đã dành từ “lịch lãm” (sophisticated) để nói về ông.

Về hưu, tướng Huy vẫn quan tâm đến thời sự, thời cuộc, đi thăm chiến trường xưa, tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội (xây nghĩa trang, tìm hài cốt đồng đội) và đặc biệt ông luôn nhắc đến cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một bậc thầy đáng kính trọng nhất về tài năng và đức độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn