MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới: Mưa lũ kéo dài đe dọa đê điều miền Trung

Vũ Long LDO | 30/07/2020 14:58

Áp thấp vào biển Đông đang có xu hướng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt tại miền Trung, đe dọa hệ thống đê điều.

Hội nghị trực tuyến tập huấn hộ đê sáng 30.7 trong bối cảnh thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu. Ảnh: Ngọc Hà

Nguy cơ lũ lớn, kéo dài trên diện rộng

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do vùng áp thấp khả năng đêm nay sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới sẽ tạo thành dải áp thấp đi qua khu vực Bắc bộ và bắc biển Đông, gây ra một đợt mưa kéo dài.

Khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, sẽ có đợt mưa lớn nhất từ đầu năm kéo dài 2-3 ngày. Khu vực Bắc bộ thậm chí còn kéo dài hơn tới ngày 4-5.8 mới chấm dứt. Đây là đợt mưa tương đối lớn từ đầu năm đến nay, xảy ra trên diện rộng và kéo dài.

“Lũ lớn tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt diện rộng trên các sông, các khu đô thị lớn.  Đỉnh lũ trên các sông cao hơn năm 2019 ở khu vực Trung bộ, Bắc Trung bộ và đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở báo động 1 đến báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ở báo động 2 đến báo động 3”- ông Hoàng Phúc Lâm thông tin.

 Khẩn trương triển khai hộ đê

Trong bối cảnh áp thấp đang diễn biến xấu hơn, ngày 30.7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.

Ông Phạm Vũ Luận - Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, khi xảy ra sự cố đê điều thì việc phát hiện, xử lý kịp thời rất quan trọng. "Việc duy trì lực lượng tuần tra, canh gác đê trong mùa mưa bão vô cùng quan trọng và là việc bắt buộc theo quy định" - ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có gần 9.100km đê, trong đó có 5.547 km đê sông; 1.343km đê cửa sông và khoảng 1.150km đê biển, đặc biệt là hơn 2.700km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, với diện tích vùng bảo vệ 2,3 triệu ha với dân số 25 triệu người.

Các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có nhiệm vụ chống lũ triệt để bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông, độ sâu ngập lụt lớn và nhiều công trình hạ tầng có vai trò kinh tế, chính trị quan trọng.  

Qua đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trước mùa lũ năm 2020, hệ thống đê điều còn rất nhiều tồn tại, trong đó trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè hư hỏng, xung yếu và 237 trọng điểm đê điều xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn