MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực dịch chồng dịch cùng một lúc khi bệnh nhi sốt xuất huyết tăng mạnh

NGUYỄN LY LDO | 29/07/2023 17:11

TP Hồ Chí Minh - Không chỉ có dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng, mà những ngày qua tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số lượng bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng tăng. Các bác sĩ đang lo ngại tình trạng dịch chồng dịch.

Thấy con sốt liên tục 3 ngày kèm mệt mỏi, chị Võ Thị Thu Lợi (tỉnh Bình Dương) đã vội vàng đưa con trai 2 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh.

Tại Khoa Khám bệnh, bệnh nhi tiểu cầu giảm báo động nên được bác sĩ nhanh chóng chuyển khoa cấp cứu và nhập viện nằm nội trú theo dõi tới hôm nay đã được 5 ngày.

Con trai chị Võ Thị Thu Lợi đang điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: NGUYỄN LY

“Bé sốt cao không hạ dù đã nhiều lần ở nhà gia đình cho uống hạ sốt. Những ngày nay thấy nốt phát ban bắt đầu nổi nhiều, bác sĩ hiện nói vì bé quá nhỏ nên chỉ cho uống hạ sốt và theo dõi thêm, tôi hy vọng con ổn hơn”, chị Lợi chia sẻ.

Cũng nằm tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi Lê Quang Trường (13 tuổi, tỉnh Đồng Nai) đang rất vui mừng vì sắp được xuất viện sau 1 tuần nằm tại đây điều trị.

Nhớ lại giai đoạn đầu phát bệnh, lúc đó là khoảng 22h đêm, chị Trương Thị Nở (mẹ bệnh nhi) mới đi làm về, nhận thấy con có biểu hiện sốt tím tái nhưng do trời mưa lớn nên gia đình quyết định cho bé ở nhà sáng hôm sau nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tiểu cầu của bệnh nhi giảm mức nguy hiểm nên được bác sĩ nhanh chóng nhập viện cấp cứu, sau khoảng 10 phút nhập cấp cứu, bệnh nhi ngất vì tiểu cầu giảm quá nhiều.

“Lúc đó con tôi ngất khi vừa được vào khoa cấp cứu. Lúc ở dưới nhà có đưa đi bệnh viện dưới đó nhưng bác sĩ cho về, bảo theo dõi. Linh tính con không ổn nên tôi mới đưa thẳng lên đây thì được bác sĩ cho nhập viện liền. Thấy con khoẻ hơn tôi rất mừng”, chị Nở vui vẻ chia sẻ.

Theo BS.CKI Trần Ngọc Lưu – Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, hiện nay công tác điều trị cho các bé rất sát. Tình hình bệnh có tăng nhẹ 10-20% so với tuần trước. Tuy chưa bằng đợt dịch cùng kì năm ngoái, nhưng bệnh viện luôn có phương án sẵn sàng ứng phó nếu dịch chồng dịch (SXH-TCM).

Đa số các trường hợp nhập viện trong giai đoạn ngày 3-5 của bệnh, có những dấu hiệu cảnh báo, hoặc xét nghiệm tiểu cầu giảm, nên được nhập viện theo dõi. Có vài trường hợp nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng sốc.

“Điều đáng quan tâm nữa là các bệnh nhi nhập viện nặng có kèm bệnh lí nền tim mạch, đột quỵ…, lúc SXH nặng có thể gây tổn thương các cơ quan, vấn đề tuần hoàn. Đặc biệt là nhóm sử dụng corticoid kéo dài, bệnh nền dễ dẫn đến tràn dịch đa mang, suy hô hấp sớm”, bác sĩ Lưu chia sẻ.

Cũng theo ghi nhận thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng dịch bệnh TCM đang gia tăng, chưa thấy đỉnh dịch. Nếu SXH cũng gia tăng sẽ gây dịch chồng dịch, tăng gánh nặng và áp lực công việc cho nhân viên y tế. Bệnh nhân đông sẽ phải nằm cạnh nhau, dù khoa đã sắp xếp bố trí các khu vực khác nhau nhưng vẫn sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo. Dịch truyền và trang thiết bị hiện vẫn được cung ứng đầy đủ, tuy nhiên bệnh viện cũng đã có phương án tìm các nhà cung cấp dịch truyền, albumin trong điều trị SXH nếu số ca bệnh gia tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn