MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố Hà Nội ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Áp lực quá tải và thách thức với siêu đô thị Hà Nội

Khánh An - Vĩnh Hoàng LDO | 11/10/2023 09:37

Mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có những bước thay da đổi thịt. Nhưng cùng với quá trình phát triển, Hà Nội phải đối mặt với áp lực quá tải đô thị và nhiều thách thức, đặc biệt là quá tải hạ tầng, có thể nhìn thấy rõ là quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở y tế, giáo dục…

“Chiếc áo chật” của Hà Nội

Đến giờ, chị Hoàng Thị Hiền (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) vẫn nhớ như in cảm giác của 1 năm về trước khi cầm trên tay tấm phiếu có ghi dòng chữ “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”.

Tháng 8.2022, chị cùng 712 phụ huynh khác có mặt tại UBND phường Hoàng Liệt để bốc thăm giành suất học cho trẻ 3 tuổi vào Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022 - 2023. Thời điểm đó, cả hai vợ chồng chị đều mất ăn mất ngủ bởi trường này chỉ có khả năng đáp ứng 333/713 trẻ đăng ký, số lượng vượt quá chỉ tiêu là 380.

Đến khi 2 con đã theo học tại trường, vợ chồng chị phải sắp xếp, cân đối thời gian đưa, đón con. Hằng ngày, sau khi đưa con đến trường, chị Hiền phải đánh vật với quãng đường gần 9km đến công ty ở Vũ Phạm Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ngày bình thường, chị mất khoảng 30 phút để đến được công ty. Song đỉnh điểm vào ngày Hà Nội đổ mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua, chị chật vật 2 tiếng trên đường.

Loạt thách thức sau 15 năm mở rộng

Ngày 1.8.2008, Hà Nội chính thức mở rộng, diện tích tăng gấp 3,6 lần trước đó. Hà Nội trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2, số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Hà Nội hiện là địa phương đông dân thứ hai của cả nước với mật độ dân số là 2.398 người/km2 - cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Dân số cơ học tăng nhanh đã gây sức ép lên hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở.

Ông Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, về giao thông đô thị, quy hoạch vẽ 10 tuyến đường sắt đô thị, buýt nhanh (BRT) là 413km. Mục tiêu đến 2020 đưa vào vận hành 178km, nhưng đến năm 2022 mới có 13,5km đường sắt đô thị và 14km BRT hoạt động (tức là mới đạt 14,5%).

Về thoát nước và xử lý nước thải, năm 2023 hoàn thành trạm bơm chống ngập Yên Nghĩa nhưng không có nước dẫn. Hàng chục nhà máy xử lý nước thải nhưng sông hồ ô nhiễm chết cả trăm tấn cá. Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá trị giá nửa tỉ USD hiện vẫn đang chờ nước thải dẫn qua 15km về xử lý. Về đất đô thị và bất động sản, ông Ánh cho biết, trong 10 năm (2011-2021) có hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở thương mại. Cộng thêm số nhà ở tự xây có thể lên tới hơn 100 triệu m2 sàn. Trong khi nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp thì vẫn thiếu trầm trọng.

Một ví dụ khác mà ông Ánh dẫn chứng là Hà Nội định hướng Đô thị Mê Linh là thành phố chất lượng, năng động, công nghệ cao... Mục tiêu này đã đặt ra từ khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2001-2006 đã giao 500ha đất để phát triển các trung tâm thị tứ. Đến khi nhập về Hà Nội và theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 thì đất đô thị được quy hoạch gấp 12 lần (gần 6.000ha). Tuy vậy, sau 15 năm (2008-2023) bên cạnh các khu dân cư cũ và khu công nghiệp gia công giá rẻ đang hoạt động, nhiều diện tích đất quy hoạch đô thị, giao cho các nhà đầu tư chỉ để san lấp, làm hạ tầng để mua đi bán lại, hàng nghìn hécta đất để hoang hóa hàng chục năm. Năm 2023 thành phố mới thu hồi hai dự án có quy mô 200ha.

“Khi những hệ luỵ tiêu cực, lãng phí của việc quy hoạch chất lượng thấp, dẫn đường cho việc tạo thành các dự án treo, nguy cơ đô thị “ma” vẫn còn đó” - ông Ánh cho hay.

Hà Nội đang rất cần sự đột phá

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng, sau hơn 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới, điểm nhấn đặc biệt nhất là Hà Nội phát triển mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt diện mạo đô thị cũng đã chú trọng.

Bên cạnh việc phát triển những khu đô thị thì có những khu đô thị ngang tầm với một số nước hiện đại trên thế giới. Trong thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đổi mới quy hoạch nâng cao chất lượng là điều cần thiết và phải làm. Trong khi đó, ông Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - chia sẻ, vấn đề quy hoạch, cũng cần thay đổi tư duy, cần bắt nhịp và ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng những phát minh, sáng chế để nâng cao hiệu quả công việc.

Hà Nội sẵn sàng nguồn lực để phát triển

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, từ khi mở rộng, thành phố có thêm nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp, nhất là quỹ đất để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Hạ tầng thương mại nội địa (trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) cũng được chú trọng phát triển. NHÓM PV

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn