MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Dung xúc động trước tình cảm của mọi người. Ảnh: Hải Đăng

Bà Lê Thị Dung được trả tự do - nhiều vấn đề pháp lí cần làm rõ

QUANG ĐẠI LDO | 29/06/2023 06:15

Ngày 28.6, bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) - được trả tự do sau khi mãn hạn tù. Mặc dù bản án đã được chấp hành, nhưng dư luận vẫn đặc biệt quan tâm, nhiều chuyên gia pháp lí cho rằng, vụ án còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ.

Ra tù sau 15 ngày tuyên án phúc thẩm

Vào 7h30 sáng 28.6, bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên được trả tự do sau khi đã thực hiện xong bản án phúc thẩm.

Như Lao Động đã thông tin, bà Dung bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 28.3.2022 để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan  tố tụng xác định trong quá trình thực thi công vụ, bà Dung đã có sai phạm, gây thiệt hại hơn 48 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Việt Kiểm sát rút số tiền truy tố xuống còn gần 45 triệu đồng. Vào ngày 24.4.2023, TAND huyện Hưng Nguyên đã tuyên phạt bà Dung 5 năm tù giam về tội danh nêu trên. Bà Dung đã có kháng cáo kêu oan, Viện KSND tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị hủy án sơ thẩm.

Vào ngày 13.6.2023, TAND tỉnh Nghệ An đã kết thúc phiên xử phúc thẩm, tuyên phạt bà Lê Thị Dung 15 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sau khi tuyên án phúc thẩm, bà Lê Thị Dung chỉ còn 15 ngày nữa là hết thời hạn tù.

Nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ

Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư của bà Dung đều cho rằng, đây là vụ án có dấu hiệu oan, không đủ căn cứ kết tội bị cáo Dung và có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng. Kể từ thời điểm bị bắt cho đến khi tuyên án sơ thẩm, bà Dung đều không nhận tội, liên tục kêu oan.

Luật sư Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Công ty Luật SMIC (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định hồ sơ vụ án có sự tẩy xóa, chỉnh sửa ngày tháng tự thú của bị cáo Nguyễn Thị Hương - nguyên Kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, cũng là người tố giác. Ngày tháng viết đơn tố giác của một giáo viên khác đối với bà Dung cũng bị chỉnh sửa. Tại phiên tòa phúc thẩm, điều tra viên đã có giải trình, cho rằng đó là sự sai sót, lỗi chính tả, tuy nhiên luật sư cho rằng không thuyết phục.

Theo hồ sơ vụ án, bà Lê Thị Dung bị bắt giam ngày 28.3.2022 theo lệnh bắt bị can để tạm giam căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26.3.2022. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên ban hành Đề nghị phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26.3.2022 gửi Viện KSND huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có Quyết định khởi tố bị can số 42.

Đề nghị phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26.3.2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên đối với nhà giáo Lê Thị Dung nêu: “Quá trình điều tra, xác định bị can có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác tội phạm”.

Tuy nhiên, theo luật sư trong hồ sơ vụ án và cho đến nay không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh bà Lê Thị Dung đã có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án hay có hành vi đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 để làm căn cứ đề nghị phê chuẩn việc bắt tạm giam.

Các luật sư cũng đưa ra các luận điểm phản bác các cáo buộc bà Lê Thị Dung “chi trùng”, “không nộp bản quy chế chi tiêu nội bộ lên Sở GDĐT Nghệ An”…

“Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải có lỗi cố ý trực tiếp, có động cơ rõ ràng, hành vi thủ đoạn để phạm tội, có tính chất vụ lợi cá nhân…tất cả những yếu tố này trong hồ sơ vụ án đều không thuyết phục, do đó không đủ căn cứ kết tội nhà giáo Lê Thị Dung” - Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn Luật sư Quảng Ninh) chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Dung cho biết, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn