MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bà nội trợ tiết lộ cách chi tiêu 6 triệu đồng cho gia đình 4 người mùa dịch

VƯƠNG TRẦN LDO | 28/08/2021 13:00

Phải cắt giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19, cùng với đó thời gian làm việc tại nhà nhiều ngày do giãn cách xã hội, nhiều gia đình đã loay hoay, tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu. Nhiều gia đình đã phải "thắt lưng, buộc bụng", "liệu cơm, gắp mắm" tiết kiệm tối đa có thể.

Thay đổi thói quen chi tiêu, tiết kiệm từng khoản tiền nhỏ

Cầm trên tay những tờ hoá đơn tiền điện, tiền nước, chị Nguyễn Thị Tuyết (Trung Hoà, Cầu Giấy) để gọn lại một góc bàn và lấy sổ ghi chép ra tính toán, cộng trừ các con số. Trong một góc phòng trọ, chiếc quạt cây quay qua, quay lại kêu lo ro.

Chị Tuyết bảo, phòng có lắp điều hoà nhưng thời gian mùa dịch, làm việc ở nhà nhiều nên không mấy khi bật. Chỉ khi nào nóng quá, hoặc lúc đi ngủ vợ chồng chị mới bật điều hoà một lúc cho mát phòng rồi lại tắt.

Chị Tuyết cho biết, bản thân đưa ra nhiều kế hoạch để chi tiêu hợp lý hơn trong mùa dịch bệnh COIVD-19. Ảnh TV

Đó là một trong những cách chị Tuyết cùng gia đình tiết kiệm điện khi làm việc liên tục tại nhà trong mùa dịch. Nhờ vậy, tiền điện nhà chị không bị tăng lên "chóng mặt".

Những lúc nghỉ ngơi, chị lại tranh thủ nấu ăn, trực tiếp vào bếp thay vì mua đồ ăn sẵn, đồ hộp như trước. “Cá nục ở chợ gần nhà mình bán 40.000 đồng/kg, gà ta giá 85.000 đồng/kg, mãng cầu, na chợ gần nhà bán giá 25.000 đồng/kg… Rồi thịt heo, thịt bò, thịt vịt, các loại trái cây, rau, củ, quả… ở chợ này cũng bán giá rẻ hơn nhiều so với trong các siêu thị, cửa hàng hay đặt hàng trên mạng như trước kia. Mỗi ngày đi chợ tiết kiệm vài chục, vậy là cả tháng đã có thể tiết kiệm được 1 triệu đồng”.

Chị Tuyết tự nấu ăn thay vì đặt đồ hộp như trước kia. Ảnh TV

Theo chị Tuyết, đây cũng là dịp để chị điều chỉnh lại thói quen chi tiêu, tiết kiệm hơn trong mùa dịch. Mùa dịch, thu nhập giảm hơn nhưng bù lại các khoản xăng xe, đi lại, mua sắm bên ngoài chị cắt giảm hết. Chỉ những khoản thiết yếu với cuộc sống sinh hoạt của 2 vợ chồng và con nhỏ mới mua sắm.

Khi có khoản tiền dư hoặc tiết kiệm được, chị cũng sẵn sàng chia sẻ với những người khó khăn hay tham gia các khoản đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Lên kế hoạch cụ thể đối phó với dịch bệnh

Tương tự, chị Trương Thị Loan (Thành Công, Ba Đình) cho biết, từ khi giãn cách toàn thành phố, cửa hàng sửa chữa quần áo nhỏ tại nhà phải tạm ngưng, đóng cửa. Mọi khoản chi tiêu đều nhờ vào tiền lương bảo vệ 6,5 triệu đồng của chồng và các khoản tiền dự phòng khác.

Chị cho biết, gia đình chị đã phải lên bảng chi tiêu, tính toán các khoản chi phí như chi phí định kỳ, chi phí phát sinh và các khoản khác ngay từ đầu tháng để kiểm soát chi tiêu trong hạn mức 6 triệu đồng. Còn 500.000 đồng được cho vào quỹ dự phòng.

Các thiết bị điện cũng được sử dụng một cách khoa học hơn để tiết kiệm điện trong mùa dịch. Ảnh PV

Những khoản chi tiêu được thống kê dự kiến từ đầu tháng gồm các khoản như chi tiêu định kỳ gồm tiền ăn, tiền điện nước, tiền mạng, tiền đồ dùng sinh hoạt thiết yếu… Đây là nhóm chi tiêu thiết yếu nhất, hết khoảng 4 - 4,5 triệu/tháng. Trong đó, tiền ăn cho 4 người trong gia đình chiếm khoảng 60%, còn lại là những khoản thiết yếu khác. Ngoài ra, chị Loan còn dự phòng cho các khoản phát sinh khác và quỹ dự phòng khoảng 1,5 triệu. 

Dự kiến các khoản chi tiêu trong tháng của gia đình chị Loan.

Chị Loan cho biết, mọi khoản chi tiêu trong mùa dịch này đều được tiết kiệm tối đa, cắt giảm hết những khoản như: về quê, thăm nhà, mua sắm đồ mới hay tiệc tùng, liên hoan. Thời gian ở nhà là chủ yếu nên tiền xăng xe đi lại cũng ít, điện thoại liên lạc cũng không nhiều...

“Chi tiêu thế này là phải thắt lưng, buộc bụng lắm. Mỗi ngày đi chợ, tôi tiết kiệm 15.000 đồng thôi thì một tháng đỡ được gần 500.000 đồng. Số tiền đó để vào các sinh hoạt thiết yếu khác như đồ dùng sinh hoạt, tiền điện thoại... Giờ thu nhập giảm không biết phải làm thế nào. Khi nào bí quá thì phải mượn tạm tiền hàng xóm rồi khi có lại trả. Mình lên dự kiến chi tiêu nhưng cũng tương đối thôi” - chị Loan nói.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, song song với việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những giải pháp tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết nhằm tăng tính chủ động đối phó với dịch của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Ông Long đưa ra lời khuyên về về một số phương pháp chi tiêu như tính toán các kế hoạch cụ thể như: Chi cho nhu cầu thiết yếu chiếm 55% thu nhập; Tiền tiết kiệm chiếm 10% thu nhập; Chi cho giáo dục 10%; Khoản tiền hưởng thụ là 10%;  Khoản cho đi 5%; Tiền dự phòng 10%… Nếu đưa ra được kế hoạch cụ thể sẽ giúp các gia đình biết được cần phải dành bao tiền cho những khoản nào trong tổng số thu nhập. Từ đó có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Hoặc một phương pháp quản lý chi tiêu khác được chi thành tỉ lệ 50%, 30% và 20% tương ứng với các khoản chi tiêu thiết yếu, chi cho mục tiêu tài chính và chi tiêu cá nhân.

“Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế, từng gia đình phải “liệu cơm, gắp mắm”. Trong mùa dịch bệnh này, việc tiết kiệm và có những khoản dự phòng rủi ro là rất cần thiết” - ông Long nói.

Tiêu dùng hợp lý không có nghĩa là "ki bo"

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, tùy vào tình hình tài chính của mỗi người, mỗi gia đình mà mức chi tiêu, tiết kiệm sẽ khác nhau và tiêu dùng hợp lý không có nghĩa là "ki bo". Khoản nào phải chi thì sắp xếp để tiết giảm, khoản nào thuộc về hưởng thụ nên cắt giảm mạnh để có ngân sách dự phòng. Mua tối thiểu để dùng, mua đủ xài thay vì ham mua rẻ và mua nhiều dự trữ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn