MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Quang Trung được huyện Côn Đảo đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt để trữ nước cho Côn Đảo. Ảnh: Khánh Lâm

Bà Rịa-Vũng Tàu: Ứng dụng kinh tế tuần hoàn để Côn Đảo phát triển bền vững

Trí Độ LDO | 13/12/2022 17:20

Quá trình phát triển của huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đạt nhiều thành tựu, nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn là giải pháp để địa phương có thể phát triển bền vững.

Nhiều thách thức trên con đường phát triển

Theo UBND huyện Côn Đảo, du lịch và dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 90% tổng thu hằng năm của kinh tế huyện. Tuy nhiên, Côn Đảo cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Cụ thể, sự phát triển nhanh của ngành du lịch - dịch vụ dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu nước sạch, năng lượng, nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời gia tăng mạnh lượng rác và nước thải trên địa bàn. Điều này hoàn toàn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và du lịch của đảo.

Nhà máy điện tại Côn Đảo thường xuyên hoạt động hết công suất. Ảnh: Khánh Lâm

Trước đây, Côn Đảo dự kiến đến năm 2030 có khoảng 300.000 - 350.000 lượt khách một năm, Nhưng chỉ trong 11 tháng của năm 2022, huyện đảo đã đón hơn 500.000 lượt du khách.

Có thời điểm, bãi rác Bãi Nhát có tổng diện tích khoảng 3.800m2 đã chứa đầy với hơn 70.000 tấn, trong khi mỗi ngày Côn Đảo phát sinh khoảng 25 tấn rác thải. Đồng thời, hoạt động đánh bắt hải sản cũng kéo theo lượng lớn rác thải ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh đó, Côn Đảo còn chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu tác động đến hệ sinh thái quanh đảo. Chẳng hạn hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt dự trữ; nước biển dâng có thể xâm lấn sâu vào đảo; nước biển ấm lên dẫn đến các loài sinh vật mất sinh cảnh sống…

Thực trạng trên đang khiến huyện Côn Đảo đối mặt với hàng loạt những bài toán khó như: thiếu nước ngọt, thiếu điện, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng,… Trong khi diện tích của huyện đảo thì hạn chế, vị trí xa đất liền... Những điều này ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tương lai phát triển cho Côn Đảo.

Tiên phong trong xây dựng kinh tế tuần hoàn

Từ những thách thức mà huyện Côn Đảo đã và đang phải đối mặt, nhằm tạo sự đột phá trong giải quyết các tồn tại hiện nay gồm: đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;... thì việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo được xác định là cấp thiết trong tình thế hiện nay.

Từ đó, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã xây dựng và ban hành Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2026”. Qua đó, địa phương được chọn là nơi đi đầu trong xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Hoàn thiện nhà máy để xử lý rác tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát huyện Côn Đảo. Ảnh: Khánh Lâm

Đề án đã đưa ra 6 mục tiêu áp dụng kinh tế tuần hoàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại huyện Côn Đảo gồm: không rác thải nhựa, tăng tỷ lệ tái chế chất thải rắn đạt 10 - 12% giai đoạn 2022 - 2026; tuần hoàn nước với mục tiêu tăng tỷ lệ thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải, tăng tỷ lệ tiết kiệm nước; phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng với mục tiêu là tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ xe điện phục vụ giao thông; bảo tồn đa dạng sinh học với mục tiêu cụ thể là phục hồi, bảo tồn thiên nhiên, trong đó tập trung tăng diện tích trồng và phục hồi rừng, rạn san hô lên 10% - 20%; du lịch tuần hoàn với mục tiêu duy trì doanh thu du lịch tăng trưởng 20%/ năm; giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã đề xuất các giải pháp gồm: đổi chất thải hữu cơ thành phân bón, biến chất thải nông nghiệp thành sản phẩm mới có thể bán được trên thị trường, khai thác năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sóng biển); biến rác thải thành tài nguyên; chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng trưởng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, hạn chế tác động môi trường, gia tăng giá trị sản xuất… Đặc biệt, huyện Côn Đảo cần hình thành du lịch xanh, trong đó lấy Vườn Quốc gia Côn Đảo làm nền tảng thí điểm để huyện thực hiện các sản phẩm du lịch carbon thấp.

Bên cạnh đó, Côn Đảo cần phải xây dựng và ban hành các chính sách nghiêm ngặt về môi trường không rác thải nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; kêu gọi nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm tái chế thay thế các sản phẩm nhựa; ban hành các chính sách bảo vệ sự sống dưới nước, trên đất liền và chương trình hành động về môi trường. Đồng thời, đề xuất Trung ương cho Côn Đảo một cơ chế đặc thù về việc thu phí và chi tiêu về môi trường từ hoạt động du lịch… Song song các nhóm giải pháp về chính sách, Côn Đảo cũng cần một nhóm giải pháp về nguồn nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn du lịch xanh.

Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, từ những thách thức gặp phải, tỉnh đã chọn địa phương này làm điểm tiên phong nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với huyện, tạo cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường.

Đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược và tạo đột phá trong giải quyết các tồn tại mang tính đa mục tiêu như hiện nay, giúp Côn Đảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao đời sống người dân không những trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn