MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Động đất tại Trùng Khánh, Cao Bằng (năm 2019) gây tình trạng sạt lở núi đá. Ảnh: Đài PTTH Trùng Khánh.

Ba trận động đất lớn nhất ở Việt Nam từng xảy ra tại Tuần Giáo và Điện Biên

Vũ Long LDO | 19/06/2020 15:05

Ba trận động đất mạnh ghi nhận tại Việt Nam có cường độ từ 5,3 đến 6,9 độ richter xảy ra tại Tuần Giáo và Điện Biên.

Ba trận động đất mạnh nhất ở Việt Nam

Do vùng bán đảo Đông Dương nằm trong một mảng kiến tạo và xa với vùng rìa mảng, nên tại Việt Nam rất hiếm những trận động đất mạnh, và gần như không có động đất và sóng thần ở mức hủy diệt. Chỉ một số ít trận động đất được ghi nhận trong lịch sử.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 19.6, TS Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), cho biết: Ba trận động đất mạnh ghi nhận tại Việt Nam là trận động đất có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935), trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo (năm 1983) và trận động đất 5,3 độ richter tại TP.Điện Biên Phủ năm 2001. Tuy nhiên, rất tiếc các trận động đất này không được ghi lại chi tiết.

Tại sao Tây Bắc hay xảy ra động đất?

"Vì nằm trên hệ thống đứt gãy Sơn La - Điện Biên - Lai Châu nên Điện Biên thường xuyên xảy ra động đất. Tuy nhiên, 3 trận động đất nêu trên được coi là lớn nhất của Việt Nam. Những động đất này có chấn tiêu nông, nên vùng rung động phá hủy hẹp, không gây thiệt hại đáng kể" - TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Thang đo cấp độ ảnh hưởng của động đất. Nguồn: Theo: Imgur.com

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam, Điện Biên là một trong 7 vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất tại khu vực Tây Bắc. 6 điểm còn lại là thành phố Sơn La, thị xã Lai Châu, thị trấn Mường La, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Tam Đường.

Từ thế kỷ trước, có một trận động đất đã được ghi lại là trận động đất 6,1 độ richter xảy ra ở vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ (năm 1923) gây hiện tượng phun trào núi lửa tại hòn Tro, tuy nhiên cường độ của núi lửa yếu.

Theo Wiki, hiện tượng phun núi lửa tại hòn Tro bắt đầu từ ngày 2.3.1923, đến tháng 5 thì ngưng. Hòn Tro bắt đầu chìm dần từ cuối tháng 7.1923 và đến tháng 9 cùng năm thì chỉ còn là một thực thể ngầm nằm cách mặt nước 20m.

Nghiên cứu của Bondarenko & Nadezhnyi (1989) cho biết, tại khu vực núi lửa hòn Tro có hai nón xỉ ngầm đã hình thành nên các đảo vào sự kiện năm 1923 cùng với hai nón dung nham chưa xác định chắc chắn được tuổi.

Những động đất ở vùng lân cận gây ra rung lắc ở vùng đất Việt Nam gần đây, có động đất cường độ khoảng 7,0 độ Richter xảy ra năm 2011 tại khu vực biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan, gây rung động cảm nhận được ở các tỉnh miền bắc Việt Nam.

Động đất lúc 08:18:23 ngày 25.11.2019 tại  khu vực huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) với cường độ 5,4 độ richter, độ sâu chấn tiêu 17km, khiến địa phương, như: Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương xảy ra hiện tượng rung lắc.

Trận động đất ngày 16.6.2020 tại Mường Tè (Lai Châu) với cường độ 4,9 độ richter cũng gây một số thiệt hại nhẹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn