MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bạc Liêu: 60 năm thăng trầm một làng nghề truyền thống

Văn Sỹ LDO | 05/06/2022 06:30

Bạc Liêu - Nghề đan đát tre, trúc ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Đây cũng là địa phương được UBND tỉnh công nhận làng nghề đan đát truyền thống đầu tiên vào năm 2009. Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, song, bằng lòng yêu nghề, hàng trăm hộ dân vẫn gắn bó, duy trì, phát triển nghề và mang về nguồn thu nhập khá giúp họ ổn định cuộc sống.

Sôi động một làng nghề

Gần như quanh năm, dọc 2 bên tuyến đường Vĩnh Phú đi Phước Long, nhà nhà, người người đều bận rộn với công việc đan đát các mặt hàng từ tre, trúc của người xã Vĩnh Phú Đông. Người đan cần xé, người đan thúng, người thì vuốt nan. Mỗi người một việc, nhưng tiếng cười nói cứ rôm rả, như xua tan mọi sự mệt nhọc từ công việc.

Người dân Làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông đan cần xé.

Theo chia sẻ của người làm nghề đan đát nơi đây, các sản phẩm bà con làm bán hiện nay như rổ, thúng, cần xé. Trong đó, cần xé là sản phẩm được đặt hàng quanh năm nên có hơn 70% người dân đan bán mặt hàng này.

“Tôi làm nghề này từ hồi mới 13 tuổi, bây giờ gần 50 tuổi rồi, quen tay nên làm nhanh lắm. Hồi xưa đan nhiều thứ như mê bồ, nia, sọt, rổ,… còn bây giờ chủ yếu đan cần xé vì có thương lái đặt hàng, mình không phải bán lẻ. Tuy thu nhập không cao, nhưng ổn định. Tôi làm bữa nào khỏe thì 15 cái cần xé cũng được gần 200 ngàn đồng, sống cũng được”, bà Hồ Thị Thúy ở Ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Bà Hồ Thị Thúy - người dân làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông đan cần xé.

Lớn lên từ làng nghề nên hầu hết người dân ở đây đều thuần thục, cứ thoăn thoắt với công việc và năng suất khá cao. Mỗi người có thể làm từ 10 đến 20 sản phẩm mỗi ngày, tùy sản phẩm. Tuy thu nhập từ nghề này khá khiêm tốn, chỉ từ 150 đến 200 ngàn mỗi ngày, nhưng mọi người vẫn vui và khá hài lòng khi gắn bó với công việc. Bởi, vừa được lao động tại quê nhà, vừa được làm cái nghề của cha ông để lại từ mấy chục năm qua.

Bà Trần Thị Thu Vân, ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ: “Như tôi gần 60 tuổi rồi, xưa giờ làm nghề này, từ đời ông cố cho đến bây giờ luôn. Mình thấy thu nhập thì không cao, nhưng ở quê mà, mỗi ngày được 200 ngàn sống cũng đủ. Còn mấy đứa thanh niên, con cháu tôi thì không mê nghề này mà đi Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân tiền nhiều hơn. Sau này dần dần chúng tôi già rồi không biết làng nghề có được duy trì hay không”.

Thành phẩm cần xé của người dân Làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông, Phước Long, Bạc Liêu.

Con đường thăng trầm

Dù là làng nghề được hình thành hơn 60 năm và từng là cái nghề “ăn nên làm ra” của nhiều gia đình, tuy nhiên, có một thời gian dài, nghề đan đát tre, trúc ở Vĩnh Phú Đông cũng bị mai một và chỉ “hồi sinh” trở lại khoảng 2, 3 năm nay.

Nguyên nhân là do thiếu đội ngũ kế thừa, hàng sản phẩm khó cạnh tranh được với các mặt hàng công nghiệp, thị trường đơn điệu về chủng loại, nguyên liệu khang hiếm, trong khi đó, giá các mặt hàng thường lại khá thấp. Vì thế, nhiều người không trụ được với nghề, chuyển sang công việc khác.

Trúc được người dân Làng nghề trồng nhiều để đảm bảo nguyên liệu đan đát.

Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giữ chân người làm nghề và duy trì làng nghề truyến thống. “Phòng NNPTNT huyện cũng phối hợp với xã thường xuyên quan tâm và triển khai các chính sách hỗ trợ làng nghề để vừa tạo điều kiện cho bà con làm nghề. Đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cũng như hỗ trợ cây trúc, tre giống để bà con trồng đảm bảo nguyên liệu đan đát”, ông Trương Phước Hiền – Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Theo ông Hiền, mặc dù khó có thể cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp về mẫu mã và giá cả, song, các sản phẩm thủ công truyền thống trong cuộc sống hiện đại luôn nhận được sự ưa chuộng của người dùng vì độ an toàn và thân thiện với môi trường.

Không chỉ có phụ nữ, cánh đàn ông Làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông cũng tham gia để tăng thu nhập gia đình.

Với sự quan tâm của nhà nước trong gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, cùng sự tâm huyết, gắn bó của người dân sẽ giúp cho làng nghề đan đát tre, trúc xã Vĩnh Phú Đông nói riêng, các làng nghề truyền thống nói chung sống mãi với thời gian. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn